Trong lịch sử của loài người, có những sự kiện mà thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa càng trở nên lung linh, rực sáng hơn và tầm vóc của sự kiện càng trở nên vĩ đại hơn. Chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam ngày 30-4-1975 là một trong những sự kiện đó.
Thực ra, nguyên lý trên là sự bình thường của logic nhận thức, tư duy. Cần phải có một quá trình mới có thể đánh giá đúng lịch sử. Do vậy, sau 34 năm trôi qua, chúng ta nhận chân rõ hơn ý nghĩa của Ngày 30-4 vinh quang ấy. Một trong những giá trị bất tử của 30-4 là “Non sông thu về một mối, Tổ quốc từ nay vĩnh viễn độc lập, tự do, Bắc Nam sum họp một nhà” (Lê Duẩn, Diễn văn mừng chiến thắng ngày 15-9-1975 tại Hà Nội).
Kể từ khi thực dân Pháp chính thức áp đặt ách thống trị lên đất nước ta, cho đến khi chúng ta giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn, mất đúng 91 năm (Hòa ước Patenotre 6-6-1884 – 30-4-1975)! Nỗi nhục mất nước là nỗi đau khắc khoải đắng cay. Những tưởng vận mệnh dân tộc sẽ mãi lầm than giống như cái ấn vàng nặng 5,9 kg có từ thời vua Gia Long, đã bị Patenotre nấu tan chảy và cái tên Việt Nam bị đổi thành An Nam, rồi sau đó bị chia thành 3 kỳ nằm trong “Liên bang Đông Dương”.
Thế nhưng truyền thống Lạc Hồng từ hàng ngàn năm đã chứng minh rằng nhân dân ta quyết không bị khuất phục, không thể bị đồng hóa. Rất nhiều cuộc đấu tranh, khởi nghĩa đã liên tiếp bùng nổ, nhưng mọi đợt sóng căm thù mà nhân dân ta dâng lên để giáng xuống đầu thực dân Pháp đều bị dội ngược trở lại, tả tơi và tan rã. Sự thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam 46 năm sau khi mất nước đã mở ra một bước ngoặt lịch sử trọng đại, và đến năm 1945, Đảng lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám phi thường, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lẽ ra, về nguyên tắc, chúng ta đã giành được độc lập. Tuy nhiên, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã gây hấn ngay trong ngày 2-9-1945 và đến ngày 23-9-1945, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ đã bắt đầu.
Như vậy, một lần nữa đất nước ta lại bị chia cắt bởi miền Nam đi trước, về sau. Đây là sự chia cắt lần thứ hai, kéo dài suốt 9 năm. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm chấn động cả địa cầu nhưng vẫn chưa thể đánh bại hoàn toàn ý chí của các thế lực hiếu chiến. Hiệp định Genève 1954 đã chia cắt nước ta lần thứ ba, kéo dài suốt 21 năm ròng rã.
Có thể nói, trong lịch sử của loài người, chưa có một dân tộc nào trong 90 năm mà đất nước lại bị chia cắt đến 3 lần và cũng chưa có dân tộc nào phải chiến đấu không ngừng nghỉ suốt 91 năm mới giành được độc lập, thống nhất hoàn toàn. Đó là sự phi thường của lịch sử, đồng thời cũng nói lên rằng những mất mát, hy sinh mà cha ông ta đã gánh đỡ cho cả giống nòi là nhiều lắm.
Phải ôn lại lịch sử đất nước 3 lần bị chia cắt bởi sự bạo tàn mới thấm hết, hiểu hết ý nghĩa vĩ đại của Ngày 30-4. Kể từ đây, với sức mạnh của một dân tộc đã đánh bại hết đế quốc thực dân này đến cường quốc khác, chúng ta có quyền khẳng định rằng không một kẻ thù nào, dù hung hãn đến đâu dám xâm phạm độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta!
Đất nước đang đổi thay mạnh mẽ, từng ngày. Chúng ta tự hào vì Đà Nẵng đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta còn biết rõ rằng, không phải ngẫu nhiên mà năm 1858, thực dân Pháp đã “chọn” Đà Nẵng làm nơi nổ súng đầu tiên để xâm lược Việt Nam. Càng không ngẫu nhiên khi ngày 8-3-1965, một lần nữa Mỹ lại “chọn” Đà Nẵng để chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. “Số phận” của lịch sử luôn luôn muốn Đà Nẵng là vùng đất đầu sóng ngọn gió để thử thách tầm vóc “địa chiến lược” đặc biệt. Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng tự tin, tự hào vì đã luôn luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sự thay đổi, đột phá, sáng tạo. Đó chính là tinh thần 30-4, ý nghĩa lịch sử vô giá của Ngày Ba mươi tháng Tư!
HÀ GIANG