Đầu tháng Tư, do tin đồn vô căn cứ mà một chiếc xe trị giá hàng trăm triệu bị biến thành sắt vụn, nguyên do chỉ là do cháu bé nghịch vẽ bậy làm trầy xước nên chủ xe muốn đến UBND xã Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên giải quyết. Lập tức câu chuyện bị biến thành “bắt cóc trẻ em”? Hàng ngàn người dân đã gây náo loạn nhiều giờ. Mới đây, những đồn thổi về “nước thánh chữa bá bệnh” đã làm cho thôn Trường Định, xã Hòa Liên, Hòa Vang náo loạn suốt mấy ngày liền…
Vấn đề đặt ra là: Chúng ta nên dự liệu và chuẩn bị như thế nào nếu tin đồn được phát tác nhiều hơn, nguy hại hơn - thậm chí không loại trừ những nguy cơ nhằm mục đích gây bạo loạn?
Sự bất ổn trật tự xã hội trong thời gian qua gia tăng với những khó khăn về kinh tế là một thực tế phải được cảnh báo nghiêm khắc. Mặt khác, bài học từ nước láng giềng Thái Lan cho thấy rằng “nền dân chủ quá trớn”; “dân chủ thiếu hướng dẫn” sẽ đem đến rất nhiều nguy hại khó lường. Cái ác và cái xấu luôn rình rập là điều mà xã hội nào cũng có. Tỉnh táo và có tầm nhìn phân định đúng các khả năng, các nguy cơ là điều phải tính đến một cách đầy đủ.
Xã Hòa Liên sẽ không náo loạn đến mức ấy nếu lãnh đạo cơ sở có biện pháp ngay từ đầu chứ không chỉ là kêu gọi “đồng bào bình tĩnh”! Sự kiện “đám đông bị kích động” đã đem đến rất nhiều bài học đau xót ở nhiều nơi, nhiều lúc. Không phải là quá đáng khi muốn nhấn mạnh rằng những sự đồn thổi liên tiếp xảy ra trong thời gian qua phải chăng là sự tập dượt, kiểm chứng tâm lý đám đông của những kẻ xấu muốn mưu toan làm rối loạn xã hội, gây bất ổn để phá hoại sự phát triển của đất nước ta?
Lịch sử thế giới đương đại đã chứng kiến không ít cuộc bạo loạn bắt đầu chỉ từ những… tin đồn! Vì tin đồn do Adolf Hitler tung ra rằng quân đội Ba Lan tấn công vào một đài phát thanh của Đức mà hàng triệu người Đức đã tin là Đức tấn công toàn thế giới, gây ra cái chết của hàng chục triệu người trong chiến tranh thế giới thứ hai là để… tự vệ(!) Cũng tương tự, vì tin đồn rằng có một mụ phù thủy xuất hiện mà người dân Mỹ đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát do cái gọi là “các mụ phù thủy ở Salem” năm 1692…
Nói như thế để thấy rằng tin đồn quả là điều cực kỳ nguy hiểm. Sự lợi dụng từ “tình cảm tôn giáo” (religiosity), từ sự suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế (destruction, crisis), từ sự “táo bạo của quyền lực” (audacity of power)… đều có thể dẫn đến những bất ổn nghiêm trọng. Ngăn ngừa mọi biến thái, cảnh giác trước mọi “cái sảy” để không cho chúng biến thành những “cái ung” là điều mà chúng ta phải cẩn trọng và cảnh giác. Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý rằng xã hội hiện nay đang xảy ra nhiều điều bức xúc mà tin đồn của kẻ xấu rất dễ lợi dụng. Tuy nhiên, sự ổn định và trật tự phải được bảo đảm, bất kể có không ít những điều sai đang diễn ra, mỗi ngày.
Chúng ta đừng chủ quan trước những lời đồn thổi cố ý. Xách động đám đông nhỏ được thì xách động đám đông lớn là điều có thể. Nên nhớ rằng, chỉ cần phát động việc “diệt chim sẻ” để bảo vệ mùa màng mà sau đó là cuộc “cách mạng văn hóa” làm chết hàng triệu người. Lịch sử có những đường đi lắt léo, bất ngờ mà chính trị là “bạn đường” khó hiểu nhất. Rối loạn kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến bất ổn xã hội toàn cầu là một thực tế hiển nhiên. Không có gì dễ bị lợi dụng hơn một đám đông đang bị những khó khăn kinh tế đè nén, bị những bức xúc trong xã hội thử thách…
Tin đồn là một trong những “nguyên tắc” lợi dụng sự cả tin của đám đông của những kẻ giảo hoạt chính trị, khi muốn đục nước béo cò. Mọi nguyên tắc dân chủ phi luật pháp phải được kiểm soát chặt chẽ là một vấn đề không cần bàn cãi. Cán bộ cấp cơ sở cần phải nắm vững sự thật này và nhất định phải có một giải pháp đúng khi tin đồn xảy ra.
Ứng xử mềm dẻo nhưng kiên quyết; nhanh và chính xác là sự bảo đảm cần thiết của chính quyền vì nguyên tắc giữ vững một xã hội lành mạnh. Bài học từ Vĩnh Khúc, từ Hòa Liên là những bài học không hề nhỏ một chút nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu không kiểm soát được sự nguy hại của tin đồn?
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Tin đồn thật là nguy hại!
Thứ Năm, 16/04/2009, 09:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.