Mỗi cuộc chiến tranh đều có một trận đánh lịch sử - quyết định nhất đến cục diện của toàn cuộc chiến. Nếu như chiến thắng Brodino ngày 7-8-1812 của quân Nga đã mở đầu cho sự sụp đổ của Napoléon Bonaparte; chiến thắng Stalingrad mùa Xuân năm 1943 đánh dấu sự thất bại của phát xít Đức, thì chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã kết thúc số phận của đế quốc Pháp với tư cách là một cường quốc thực dân.
55 ngày đêm lịch sử cách đây đúng 55 năm, là con số đầy ý nghĩa. Trong bộ phim “Cuộc chiến giữa hổ và voi” do các nhà làm phim Pháp thực hiện - được VTV1 mua bản quyền và phát lúc 21 giờ 30 ngày 5-5-2009, có những chi tiết thật ấn tượng. Những người Pháp cho rằng họ thua bởi những chiếc xe đạp được sản xuất tại thành phố St. Échien lại được “sáng tạo” thành xe đạp thồ để cung ứng hậu cần tốt đến mức không thể tốt hơn.
Họ cũng nói rằng, về lý thuyết, không thể đem đại bác lên đỉnh núi, nhưng Việt Minh đã làm được điều không tưởng. Họ còn nói thêm rằng, dẫu Henrie Navarre là một tướng tài nhưng không thể tính toán nổi vì sao một chiến dịch quan trọng cách hậu phương chính 500km nhưng vẫn cung ứng đủ hậu cần cho một đội quân đông đến hàng vạn người, mà về lý thuyết chỉ có thể làm được trong phạm vi 100km…Cách tính của những chiến lược gia quân sự nhà nghề đã quên mất một điều cơ bản:
Nhân dân Việt Nam có thể “biến” tất cả những điều không thể thành có thể, nếu đó là điều liên quan đến sự sống còn của dân tộc, quốc gia! Triết lý và nguyên tắc thành công giản dị đó không khó hiểu bao giờ.
Thứ nhất, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã là nguyên tắc sống, bổn phận sống của mọi người dân Việt tự bao đời nay. Nhờ có nguyên tắc đó mà dân tộc Việt Nam mãi trường tồn, không thể bị đồng hóa, không thể bị khuất phục dù đó là sự bạo tàn, ngang ngược với bất kỳ mức độ nào.
Thứ hai, trong những tình thế quẫn bách tưởng chừng như không có lối thoát, người Việt luôn tỏ ra sự lung linh mẫn tiệp của tinh thần sáng tạo tuyệt vời. Kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, đánh nhanh thắng nhanh được đổi thành “đánh ăn chắc, thắng ăn chắc” không chỉ là bài học thành công của sáng tạo; mà còn hơn thế nữa, là bài học của “biết đủ sẽ thắng”, đủ để vượt qua mọi thử thách nhọc nhằn.
Thứ ba, trận “Quyết chiến chiến lược” mà cả ta và địch đều “chọn cho nhau” như là một “ngầm định” về sự tất yếu của trả giá, nếu cần! Chiến thắng Điện Biên Phủ nói lên rằng sự kỳ tuyệt của Tinh thần Việt, Sức sống Việt bao giờ cũng là ẩn số của những bất ngờ của cả… loài người!
55 ngày đêm chịu đựng “mưa dầm, cơm vắt” của những người chiến sĩ QĐND Việt Nam đã làm nên kỳ tích rung chuyển cả năm châu, âm vang mãi với thời gian và là một trong những điểm sáng bất tử của lịch sử. Sau 55 năm, rất nhiều nhà sử học, nhiều nhà làm phim của các nước phương Tây vẫn tìm đến Điện Biên bởi họ vẫn chưa thể lý giải một cách đủ đầy vì sao những người Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn có thể làm nên chiến công thần kỳ ấy!
55 năm trôi qua, đất nước vẫn tiếp diễn không ít những thăng trầm. Điều chưa thể hài lòng là những bài học từ “tinh thần Điện Biên” dường như đã không được tận hiểu một cách đầy đủ. Tham nhũng, lộng hành là căn bệnh hoàn toàn ngược nghĩa với hai chữ “Điện Biên”. Ôn lại lịch sử để thấy rằng những chiến sĩ Điện Biên đã cống hiến cả cuộc đời mình để vì một giang sơn Tổ quốc Việt Nam hạnh phúc, mạnh giàu. Chưa làm được điều đó là chưa hiểu đúng và đủ ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, cho dù 55 năm đã đi qua.
55 năm vẫn là chưa đủ để chúng ta hiểu đúng sự vô giá của một chiến công hiển hách, phi thường. Loài người đang nói nhiều đến thời đại toàn cầu hóa, đang bàn về một thế giới không có chiến tranh, hy sinh và mất mát. Thế nhưng, chừng nào còn chủ nghĩa đế quốc; chừng nào vẫn còn những mưu đồ đen tối nhân danh công lý, đức tin; thì chừng đó, tấm gương anh hùng của những chiến sĩ Điện Biên vẫn mãi là biểu tượng hào hùng đầy kiêu hãnh của chính nghĩa, của tinh thần và khát vọng độc lập, tự do…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
55 ngày và 55 năm…
Thứ Năm, 07/05/2009, 08:33 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.