UBND thành phố Đà Nẵng vừa cho phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua 50 máy liên lạc thông tin tầm xa (Icom710) để trang bị cho 50 đội tàu đánh bắt xa bờ, nâng tổng số máy được trang bị từ năm 2006 đến nay lên 97 chiếc, có nghĩa là tăng lên hơn gấp đôi…
Dòng tin đó chỉ có dung lượng rất ngắn trên Báo Đà Nẵng ngày 19-5-2009, nhưng lại thật nhiều ý nghĩa với người đọc và, thật sự đó là một tin hết sức đáng mừng đối với ngư dân. Còn nhớ, cơn bão Chanchu năm 2006 đã gây nên những tổn thất nặng nề cho thành phố Đà Nẵng cũng như cho ngư dân. Bên cạnh những nguyên nhân như sự tắc trách của cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương, sự chủ quan của một số cấp, ngành…, thì nguyên nhân quan trọng nhất là do biển không có được sự liên hệ mật thiết với bờ. Liên lạc giữa biển và bờ là câu chuyện dài nhất trong lịch sử của ngành hàng hải nói chung và nghề biển nói riêng.
Nghề biển là một trong những nghề nhiều nguy hiểm và cô đơn nhất trong tất cả những nghề đã và hiện có. Sóng dữ, bão tố, may rủi chuyện mất và được mùa cá, máy móc hư hỏng hay nạn cướp biển…, đều là những bất trắc khôn lường. Có được sự thông tin liên lạc thường xuyên với đất liền là điều vô cùng quan trọng. Ngư dân sẽ được cứu hộ, trợ giúp nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Mặt khác, phải thấy rằng chính ngư dân khi mưu sinh trên biển đã đồng thời là những người lính biên phòng tự nguyện từ tâm thức: Chính họ mới thực sự là những chủ nhân của biển trời Tổ quốc, quê hương. Sự hiện diện của ngư dân như là điều kiện thứ nhất, quyết định nhất đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Tin vui nhiều ý nghĩa trên càng có giá trị hơn nữa khi chúng ta biết rằng Chính phủ Trung Quốc vừa ngang nhiên tuyên bố về lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16-5 đến ngày 1-8-2009 trên Biển Đông của chúng ta (!) Cái mà họ gọi là “chủ quyền” là điều thậm vô lý đối với luật pháp quốc tế. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cực lực phản đối “lệnh cấm” vô lý ấy. Đà Nẵng đã hành xử theo “cách của Đà Nẵng”: “Kéo” biển lại gần bờ bằng sự an tâm, an toàn, khả năng tự bảo vệ, ứng cứu lẫn nhau giữa ngư dân với nhau, giữa biển và đất liền.
Giá trị và ý nghĩa của “món quà” mà bờ vừa đưa đến cho biển thật đáng trân trọng. Nó không chỉ là tình cảm của sự quan tâm chu đáo mà còn có nghĩa về sự thiết thực của cách khẳng định chủ quyền, sự “lo xa” đối với ngày mai, ngày kia; khi mùa mưa bão đã cận kề. Chúng ta phải hiểu rằng để mưu sinh, ngư dân khổ nhọc và nhiều bất trắc lắm. Bão vào, nhiều cá, nhưng lại là chuyện sống - chết của phút giây…
Lo cho ngư dân nhiều hơn nữa, chu đáo hơn nữa là ước mong của biển khao khát đợi bờ. Quan tâm, hiệu quả và thiết thực là nghĩa tình, trách nhiệm của bờ đối với biển. Những chiếc máy thông tin Icom710 ấy không thể tính bằng tiền (mỗi chiếc 30 triệu đồng) mà phải tính bằng các “giá trị” không thể đo, tính nổi: Đó là nhịp đập đích thực của những trái tim giữa biển và bờ! Ngư dân sẽ bớt cô đơn hơn, an tâm hơn, gần gũi hơn và hiểu hơn cái lẽ thiết tha tự ngàn năm của sự sống: Con thuyền đi, mặt sóng lại cày bừa…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Biển và bờ
Thứ Sáu, 22/05/2009, 07:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.