Trong lịch sử nhân loại, bước chân của con người đã tạo nên vô số những con đường. Nổi tiếng trong lịch sử cổ xưa là “con đường tơ lụa” có hàng ngàn năm trước. Thế nhưng, đó là con đường “tự nhiên” được hình thành theo luật cung - cầu của sự trao đổi hàng hóa giản đơn. Đến thời hiện đại, có thể khẳng định rằng con đường thần kỳ và nhiều huyền thoại nhất là đường Trường Sơn do dân tộc Việt Nam mở để đi, để đến và để chiến thắng!
Charles Keith, một sử gia Mỹ, khi đi từ sông Serepok tới Bù Gia Mập đã thốt lên rằng ông đã hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng: Khoảng cách chỉ hơn 200km nhưng lại có đến gần 1.300 km đường với nhiều hướng đi khác nhau, đan xen chằng chịt đến mức ông không tài nào hình dung nổi! Nói như thế để thấy rằng con đường huyền thoại, độc đáo nhất lịch sử nhân loại có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đoàn 559, hay còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn được chính thức thành lập vào ngày 19-5-1959 - cách đây vừa tròn 50 năm. Chặng đường 6.000 ngày chiến đấu gian khổ của Binh đoàn Trường Sơn để mở đường, bảo vệ đường, bảo đảm cho giao thông thông suốt (tính đến 30-4-1975), hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, 30.000 người khác phải để lại một phần máu thịt của mình để “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim” như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết.
Trong lịch sử chiến tranh của loài người, chưa hề có một con đường nào kỳ lạ đến thế, khiến cho kẻ thù phải tốn nhiều công sức, đạn bom đến thế, nhưng vẫn không thể chặn được dòng máu của lòng yêu nước chảy suốt đêm ngày! Bắt đầu từ km 0 ở thị trấn Lạt, Tân Kỳ, Nghệ An, qua 1.500km, điểm cuối là Bù Gia Mập. Để ngăn bước tiến của quân và dân ta, đế quốc Mỹ đã tìm đủ mọi cách - kể cả các nhà khoa học, các kỹ thuật viên, hàng vạn quân..., đã được huy động.
Từ chiến dịch Barrel roll, ném bom có hệ thống đường Trường Sơn từ ngày 14-12-1964, đến Dự án Popeye nhằm tạo mưa triền miên (tháng 9-1968), rồi Dự án Commando Lava - rải hóa chất tạo bùn xuống đường (5-1969)... nhưng chúng vẫn không thể nào ngăn được “chiếc gậy Trường Sơn” và “đôi dép Bác Hồ”, theo người chiến sĩ giải phóng quân đến tận Sài Gòn để thống nhất đất nước! Đó là chưa kể đến việc Mỹ đã sử dụng đến 733.000 chuyến máy bay, ném xuống đường Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại(!).
Đã có con đường nào trên thế giới có thể tồn tại nổi khi mỗi km phải “cõng” đến 3.000 tấn đạn bom? Số bom đạn đó nhiều gấp 10 lần số đá dùng để rải đường! Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng chỉ có trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc Việt Nam mới có thể tạo nên được điều phi thường giản dị ấy!
20.000km đường với 5 trục dọc, hàng chục trục ngang, 1.400km đường ống dẫn dầu và đặc biệt nhất là có 3.140km “đường kín”. Đây cũng là một sáng tạo độc đáo của Việt Nam: Những con đường được mở xuyên qua rừng già để xe có thể chạy liên tục suốt ngày mà địch vẫn không phát hiện ra. Bên cạnh “đường kín” là những con đường “hở” để nghi binh với những chiếc xe cũ, hỏng. Suốt nhiều tháng liền, không quân Mỹ cứ ném bom vô vọng vào những con đường nghi binh ấy!
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã kết thúc cách đây 34 năm, nhưng những di chứng của chiến tranh vẫn còn đó: Hơn 3 triệu người chịu hậu quả từ việc Mỹ rải chất “diệt cỏ” - chất độc da cam, dioxine xuống đường Trường Sơn. Nỗi đau đó của mọi người dân Việt Nam hôm nay càng chứng minh rằng sức chịu đựng bền bỉ và lòng dũng cảm vô song của những người lính Trường Sơn, những nam nữ TNXP mở đường, bảo vệ đường..., thật khó hình dung nổi.
Nếu như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một trong những kỳ tích của lòng yêu nước của toàn thể loài người tiến bộ trong thế kỷ XX, thì con “đường mòn Hồ Chí Minh” - với Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là một huyền thoại bất tử với thời gian...
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Con đường chạy thẳng vào tim
Thứ Ba, 19/05/2009, 08:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.