Ngày 11-5-2009, 14 thành viên của Đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã lên đường sang Paris để dự phiên tòa của Tòa án Lương tâm Nhân dân quốc tế (TALTNDQT).
Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, phải thấy rằng việc Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ bác bỏ đơn kiện của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là điều hết sức vô lý. Chính phủ Mỹ đã bồi thường cho những người lính Mỹ tham gia vào việc rải chất độc, thế nhưng lại khước từ việc bồi thường cho các nạn nhân (!)? 36 công ty hóa chất Hoa Kỳ, theo đơn đặt hàng của Chính phủ, đã làm cho gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày trong bức thư của mình gửi đến TALTNDQT.
Những người bị nhiễm độc (trong đó có những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba chưa hề biết đến chiến tranh) là những người nghèo khổ nhất, chịu thiệt thòi nhiều nhất và cũng là những người đau khổ nhất của thời đại. Việc ông Mai Giảng Vũ, một cựu sĩ quan của chế độ cũ, đã từng trực tiếp rải chất độc da cam là một dẫn chứng điển hình: Cả 3 đứa con của ông Vũ đều lớn lên bình thường cho đến năm 20 tuổi, đều đã chết một cách thảm thương!
Lần đầu tiên sau 34 năm, những người lính từ cả hai bên chiến tuyến đã cùng sát cánh bên nhau để đòi công lý. Đó là “mẫu số chung của tình cảm và sự thật”, bởi vì, công lý, chủ nghĩa nhân văn không có ranh giới phân biệt. Mặt khác, cuộc “chiến tranh” vì sự thật lần này, hơn bao giờ hết, đòi hỏi cả dân tộc phải đoàn kết. TALTNDQT không có quyền phán quyết về chế tài cụ thể, nhưng đó là tòa án của lương tâm; có nghĩa là bị cáo trong các vụ xử này đều phải chịu sức ép ghê gớm từ dư luận quốc tế khi họ tự vấn, tự xử về nghĩa của chữ lương tâm.
Chính phủ Mỹ không thể làm ngơ, không thể chối bỏ trách nhiệm một khi phán xét công tâm, khách quan của TALTNDQT phân định rõ trắng đen. Dù muốn dù không, cách xét xử khách quan, không vụ lợi của một tòa án quốc tế sẽ buộc Chính phủ Mỹ đương nhiệm phải nhìn nhận lại trách nhiệm của họ. Không thể có chuyện người rải chất độc (tiếp xúc rất ít) lại được bồi thường, còn nạn nhân của sự kiện tồi tệ ấy lại bị làm ngơ.
Cuộc chiến đòi công lý của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không chỉ là cuộc chiến vì mình, mà còn là cuộc chiến vì toàn thể nhân loại. Nỗi đau tương tự như nỗi đau của 3 triệu người Việt phải được chấm dứt bởi không ai biết được rằng nếu cái ác hôm qua không được cảnh tỉnh và nhìn nhận nghiêm khắc thì ngày mai, ngày kia, nó không tiếp tục lộng hành? Sự ngăn ngừa hiểm họa luôn là bài học lớn của nhân loại. Do đó, cuộc chiến đấu tranh đòi công lý của nhân dân ta tất nhiên sẽ giành được sự ủng hộ nhiệt tình của loài người tiến bộ trên toàn thế giới.
Đã dùng đến cụm từ “cuộc chiến” tức là cuộc đấu tranh sẽ còn rất gay go, quyết liệt. Thế nhưng, chiến tranh không gian khổ thì thắng lợi chẳng vinh quang. Người Pháp vẫn nói và tin như thế. Sự đoàn kết, đồng lòng là nguyên tắc để chiến thắng cái ác. Sự vững tin vào công lý, sự thật là để nuôi dưỡng và nhân lên gấp bội sự bền bỉ, quyết tâm.
Hơn 80 triệu người dân Việt Nam luôn đồng hành, sẻ chia với những đau khổ của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam. Chính nghĩa đứng về phía chúng ta! Và vì thế, trách nhiệm của công lý - bất kể là hình thức và nội dung nào đi nữa, vẫn thuộc về sự thật. Cuộc chiến này Việt Nam sẽ thắng cũng như hàng ngàn năm nay, dân tộc ta luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù của lương tri, chính nghĩa và sự thật…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Công lý của sự thật
Thứ Tư, 13/05/2009, 08:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.