.

Cử tri mong muốn gì ở Quốc hội?

Nhằm chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, trong những ngày qua, các thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có nhiều buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn. Qua các cuộc tiếp xúc lần này, cử tri rất phấn khởi khi biết những nội dung dự kiến có nhiều đổi mới diễn ra trong kỳ họp đến và những vấn đề đổi mới của kỳ họp là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là trong công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại các buổi tiếp xúc vừa qua, ngoài những ý kiến góp ý cho các dự án luật trình kỳ họp Quốc hội sắp tới, nhiều ý kiến đóng góp của cử tri không còn ở tầm vi mô của địa phương như vấn đề điện, đường, trường, trạm; về giải tỏa, đền bù, bố trí đất tái định cư, dự án treo, chỉnh trang đô thị; về ô nhiễm môi trường, học sinh bỏ học, tội phạm gia tăng, mê tín dị đoan, v.v... mà nhiều vấn đề lớn mang tầm vĩ mô, liên quan đến quốc gia đại sự như việc quản lý và khai thác tài nguyên về chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa, về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... cũng được cử tri quan tâm.

Qua những ý kiến đóng góp, những kiến nghị, những vấn đề mà cử tri quan tâm không chỉ chứng tỏ mặt bằng dân trí của người dân đã không ngừng được cải thiện, quan tâm dõi theo những diễn biến của mỗi kỳ họp Quốc hội, mà còn chứng tỏ rằng, cử tri luôn bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng về sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng trong những năm gần đây. Còn nhớ, ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ không khí sinh hoạt dân chủ ở nước ta.
 
Cử tri thành phố Đà Nẵng không những bày tỏ vui mừng trước những đổi mới qua mỗi kỳ họp, cải tiến trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, của đại biểu Quốc hội, mà luôn mong muốn rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng được cải thiện hơn, hiệu quả hơn. Các buổi tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp đến là dịp để cử tri và đại biểu Quốc hội cùng giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của chính quyền.

Mọi cử tri đều có quyền đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến đến Quốc hội, đồng thời cử tri cũng mong đại biểu Quốc hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, phải gần dân hơn, chịu khó lắng nghe ý kiến đóng góp, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri. Những ý kiến tâm huyết, đầy tinh thần trách nhiệm mang tính vi mô và vĩ mô của cử tri đối với nhiều vấn đề của đời sống xã hội thiết thân với nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung, không chỉ liên quan đến chính quyền thành phố, mà còn liên quan đến Chính phủ và Quốc hội.

Cử tri thành phố Đà Nẵng luôn mong muốn các ý kiến đóng góp, kiến nghị của mình sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu nghiêm túc và chuyển đến các cấp, các ngành có thẩm quyền giải quyết một cách thấu đáo.

Thực tế cho thấy, các kiến nghị và các ý kiến đóng góp thẳng thắn, đầy tâm huyết và với một thái độ tích cực của cử tri Đà Nẵng đã minh chứng về sự quan tâm về nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực của địa phương và đất nước cần phải giải quyết. Cho nên, điều quan trọng nhất là sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, các kiến nghị mà đại biểu Quốc hội đã hứa với cử tri phải được giải quyết rốt ráo để những cuộc tiếp xúc cử tri lần sau không còn được nêu ra nữa. Và cử tri cũng mong muốn rằng, những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội không chỉ diễn ra trước hoặc sau mỗi kỳ họp Quốc hội mà mang tính thường xuyên và thực tiễn...
                 
LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.