.

Cúp điện

Mùa hè đến, cái lo nhất của người dân và doanh nghiệp là chuyện cúp điện. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Chưa ai tính được mỗi lần cúp điện ở một thành phố lớn, thiệt hại kinh tế là bao nhiêu; nhưng chắc chắn rằng con số đó không hề nhỏ một tý nào.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, hàng tồn kho cả trăm tỷ đồng, mỗi lần cúp điện là thêm một lần chất lượng xuống cấp – tương đương với hàng tỷ đồng “theo điện mà đi”. Ông Hồ Hai, Giám đốc điều hành của Vinatex Đà Nẵng nói thêm là dù lịch cắt điện có trước cả hai, ba tháng nhưng cũng không kịp trở tay để giao hàng đúng hạn và trung bình một lần cúp điện, thiệt hại khoảng 4.000 USD…

Hai số liệu tham khảo sơ bộ trên cho thấy rằng việc cúp điện là một tai ương đối với toàn xã hội. Giải pháp ở đâu? Thứ nhất, cúp điện có kế hoạch chi tiết, rõ ràng đến mức nào đi nữa vẫn là giải pháp không nên. Tại sao ngành điện (người bán) không tôn trọng các thượng đế (người mua) của mình? Sự độc quyền luôn dẫn đến hậu quả tương ứng là tùy tiện.

Tại sao ngành điện không lo mở rộng sản xuất mà chỉ lo tăng giá và lo đầu tư hàng trăm triệu USD vào khai thác… resort ở Lăng Cô chẳng hạn? Cách làm ấy vừa thiếu tâm, vừa thiếu tầm và đậm màu ăn xổi ở thì, cần phải được phê phán một cách nghiêm khắc. Thứ hai, tại sao Nhà nước và chính quyền địa phương không có những hợp đồng - chế tài đầy đủ để xử phạt ngành điện nếu cúp bất thình lình? Về nguyên tắc, gây ra thiệt hại, nhất thiết phải bồi thường. Nếu tính cả thành phố, cả nước thì mỗi lần cúp điện, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng, nếu không muốn nói là hàng trăm,hàng ngàn tỷ đồng.

Tại sao ngành điện không nghĩ rằng việc mình không bảo đảm điện năng cho xã hội là hành động đồng nghĩa với sự làm nghèo đất nước? Thứ ba, nếu ngành điện chịu khó “động não” để lập ra một đề án cúp điện tối ưu, sao cho ảnh hưởng đến sản xuất ít nhất, là điều có thể làm được; vậy, tại sao lại không làm? Thiệt thòi đến sinh hoạt, nếu không còn giải pháp nào khác thì đành phải chấp nhận; nhưng thiệt hại về sản xuất là điều không thể cho qua, dù với bất cứ lý do nào. Bảo đảm cho sản xuất ổn định tức là làm cho nền kinh tế mạnh lên để không còn cảnh công nhân ngồi chờ điện, doanh nghiệp vẫn trả lương, hàng đông lạnh hư hỏng…

Tất nhiên, các cơ sở sản xuất, chế biến nếu muốn tồn tại qua lịch cúp điện bảy nổi ba chìm thì phải “tự lo”. Tự lo là mỗi nhà máy, doanh nghiệp phải tự sắm thêm máy phát điện để đề phòng bất trắc. Một xã hội ổn định không cho phép tồn tại cách nghĩ nơm nớp lo sợ… điện! Đó là chưa nói chuyện khi “tự lo” như thế, có nghĩa là giá thành sẽ lên, hàng hóa sẽ kém sức cạnh tranh và người dân càng thêm khó sống.

Giải quyết tận gốc vấn đề cúp điện, giải pháp trước mắt là mỗi địa phương phải tự lo. Đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để bình ổn được sinh hoạt, sản xuất. Nói cách khác, chừng nào chưa phá vỡ được thế độc quyền của ngành điện thì doanh nghiệp và người dân vẫn luôn phải ‘vừa sống, vừa nhìn” cái bóng đèn trong nhà mình! Điều bất hợp lý là chúng ta vẫn cứ bán điện cho nước láng giềng nhưng dân nước mình lại bị cúp, là cớ làm sao?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.