Điều chưa từng xảy ra nhưng đã xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn trong quá trình phát triển: làng quê Việt Nam đang thành sân sau, thành bãi rác cho các đô thị. Chỉ tính ba đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thôi, mỗi ngày có đến 12.000 tấn rác trút về các vùng ngoại thành. Các đô thị khác dù nhỏ hơn nhưng lượng rác thải tính theo đầu người cũng không kém.
Cùng với rác là tiếng ồn, khói, bụi, nước thải. Phần lớn nước thải của 200 bệnh viện, phòng khám trong nội thành Hà Nội đều trút thẳng xuống cống, ra sông. Người dân Hà Nội hiện nay vẫn nửa tin nửa ngờ rau xanh huyện Thanh Trì, Hoàng Mai nơi có con sông (cống) Kim Ngưu và nghĩa trang Văn Điển là bảo đảm vệ sinh, như kết luận của Sở Y tế thành phố.
Người ta nhớ đến ruồi ở những làng rau, đến mùi hôi thối không sao chịu nổi quanh khu vực các nhà máy chế biến hải sản ở Đà Nẵng. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, ngày càng có nhiều làng ung thư, làng bại liệt, làng chết non... đến mức xã hội bão hòa thông tin, không còn kích thích được cả sự tò mò lẫn lòng thương cảm.
Không chỉ trở thành nơi chứa rác cho thành phố, nông thôn ngày nay, nhất là ở các làng nghề, còn tự hủy hoại môi trường sống của mình với một tốc độ nhanh khủng khiếp. Chỉ cần đến với các làng nghề làm gốm như Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), hay đi trong màn khói dày đặc, ngột ngạt khiến không còn cây cối gì sống được của hàng trăm lò gạch dọc sông Cầu, sông Đuống, sông Nhuệ… sẽ hiểu môi trường nông thôn đã bị tàn phá đến mức nào.
Không chỉ nghề làm gốm, làm gạch, các làng làm giấy, nấu rượu, chăn nuôi lợn và gia cầm, nuôi tôm, nuôi cá khắp nơi trong nước cũng đang hằng ngày, hằng giờ biến nông thôn trong lành trở thành những điểm ô nhiễm khổng lồ. Đến những vùng tôm bị bệnh, những vùng nuôi cá tra, cá ba sa… ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long mới thấm thía đất nước ta đã mất đi những của cải vô giá để đổi lấy những đồng đô la thu được từ xuất khẩu.
Chạy theo đồng lãi bằng mọi giá, hủy hoại môi trường không thương tiếc đã biến hàng triệu hécta đất lúa, đất rau màu bị nhiễm độc, rửa trôi, bạc màu nặng nề. Thói quen sống tách khỏi thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên cũng đã xuất hiện và đang có xu hướng phát triển nhanh. Ở các làng đồng bằng Bắc Bộ, những lũy tre đang thưa thớt dần, nhà bê-tông cốt thép đang thay thế nhà tre gỗ; ao hồ bị lấp để làm nhà cửa.
Ở trung du và miền núi Bắc Bộ, cây cọ không còn vị trí gì đáng kể, đang bị thu hẹp. Ở miền Trung, cây dừa cũng chung số phận ấy. Ở Tây Nguyên, nhiều rừng cây đang mất đi cùng với nền văn hóa lâu đời gắn liền với rừng. Rất khó hình dung các buôn xưa khi nhìn vào những khu dân cư nửa làng nửa phố, nhếch nhác ở không ít làng Tây Nguyên hiện nay.
Chúng ta đã làm gì để ngăn chặn tình trạng như vừa nói? Đã có không ít những phong trào, những cuộc vận động bảo vệ môi trường sống nông thôn nhưng sự chuyển biến không đáng kể, nguyên nhân là các phong trào, các cuộc vận động ấy vẫn nặng tính hình thức, bắt cóc bỏ đĩa.
Môi trường sống ở nông thôn sẽ còn tiếp tục bị hủy hoại nếu việc bảo vệ môi trường không mang lại lợi ích thiết thực, chưa gắn liền với lợi ích kinh tế của xã hội, trực tiếp là người dân ở nông thôn. Nếu không có hệ thống luật pháp đủ mạnh, có quy hoạch xây dựng nông thôn, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để chống tham nhũng và ý thức của người dân cũng như cán bộ công quyền chưa được nâng cao thì không chỉ có một vụ Vedan mà còn nhiều vụ Vedan nữa đang chờ.
DUY VŨ