Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp hiện chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong cơ cấu GDP của Đà Nẵng, chỉ khoảng gần 5%. Theo thời gian, giá trị lĩnh vực sản xuất này tăng, nhưng tỷ trọng có xu hướng ngày càng giảm, đó là quy luật của tiến trình công nghiệp hóa ngày càng phát triển. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò của kinh tế nông nghiệp trong yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.
Ý nghĩa của việc kiến tạo một vành đai nông nghiệp thương phẩm chất lượng cao, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường của dân cư nội thành sẽ không chỉ góp phần ổn định đời sống, công ăn việc làm của hàng vạn lao động nông nghiệp, phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” mà còn góp phần duy trì bản sắc độc đáo, tạo cảnh quan môi trường hài hòa cho kiến trúc “đô thị xanh” của Đà Nẵng, qua đó tạo thế hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với chiến lược phát triển du lịch-dịch vụ.
Kinh nghiệm thực tiễn các nước phát triển, mặc dù trình độ công nghiệp hóa của họ rất cao, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp nhỏ, tuy nhiên việc xây dựng chính sách trợ giúp cho nông dân chưa khi nào bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là luôn được ưu ái hàng đầu.
Xu thế đô thị hóa phát triển một mặt tạo điều kiện nhanh chóng hình thành diện mạo mô hình nông thôn mới, nhưng mặt khác cũng gây không ít áp lực, khó khăn đối với đời sống sinh hoạt, công ăn việc làm của những người sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, việc Đà Nẵng định hướng phát triển mạnh sang lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ, với số dân gần 1 triệu người, cộng với khả năng thu hút hàng vạn học sinh, sinh viên, nhân lực bậc cao, công nhân các khu công nghiệp, khách du lịch... đến cư ngụ hoặc quá cảnh đã và đang tạo ra một thị trường thực sự tiềm năng đối với ngành sản xuất các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp.
Trước hết, cần xác định rõ mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung và chuyên nghiệp hóa, tuân thủ nghiêm các tôn chỉ: Quy hoạch đồng bộ tập trung/ Sạch, an toàn gắn với bảo vệ nghiêm ngặt môi trường/ Sản phẩm có năng suất và chất lượng tốt/ Tạo lập giá trị thương hiệu khác biệt và có tính cạnh tranh. Ngành nông nghiệp thành phố cần đi theo hướng tinh gọn, không làm tràn lan, đại trà, không sa đà vào những lĩnh vực mà mình không có lợi thế riêng, lấy thị trường tại chỗ làm bàn đạp xuất phát để phát triển. Một số lĩnh vực, cây con có lợi thế cần tập trung sức chỉ đạo như: Chăn nuôi gia súc và gia cầm; sản xuất rau, quả sạch; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy-hải sản; trồng hoa, cây cảnh; trồng và khai thác rừng nguyên liệu hoặc rừng có giá trị thương phẩm cao...
Vấn đề chính là thiết lập được các mô hình quản lý có hiệu quả, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các công đoạn sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu thụ, thông qua đó góp phần ổn định đầu vào cho sản xuất, giải quyết tốt đầu ra, tạo động lực lâu dài để phát triển bền vững. Thành phố cần tập trung giải quyết nhiệm vụ hoạch định chính sách, cơ chế, quy hoạch cơ bản, huy động các nguồn lực khả thi về vốn đầu tư - dịch vụ khoa học-kỹ thuật - khuyến nông - liên hết cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối - xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu... nhằm quy tụ và phát huy mọi tiềm năng để phát triển theo hướng chọn lọc những sản phẩm nông nghiệp có ưu thế.
Tập trung sức xây dựng các mô hình sản xuất và tiêu thụ điển hình, có hiệu quả, qua đó không chỉ vận động thuyết phục được người trực tiếp sản xuất mà cả người tiêu dùng ngày càng tin vào sản phẩm chất lượng cao, mở đường cho thị trường nông sản sạch và an toàn có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có đủ căn cứ để tin rằng, khả năng xử lý thành công chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp ngay từ bây giờ sẽ đóng góp một phần rất quan trọng vào tiến trình phát triển cân đối và bền vững của thành phố Đà Nẵng trong tương lai.
THANH THỦY
.
.
Hướng đi nào cho nông nghiệp Đà Nẵng?
Thứ Năm, 14/05/2009, 08:20 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.