.

Kết hối không phải là sự tụt hậu về chính sách

Trong bài phỏng vấn mới đây trên Thời báo Ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đánh giá việc dừng chủ trương kết hối trong thời gian vừa qua là thành công của tiến trình hội nhập tài chính ngân hàng và cho rằng không nên quay lại chính sách kết hối, kể cả trong bối cảnh hiện nay quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường đang rất căng thẳng. Ý kiến này khiến nhiều người nghĩ rằng kết hối là giải pháp tiêu cực, thậm chí đi ngược lại tiến trình mở cửa nền kinh tế?

Trên thực tế, kết hối chỉ là biện pháp điều hành chính sách ngoại hối của một quốc gia và là thông lệ quốc tế được thừa nhận một cách rộng rãi. Ngoại hối, cho dù xuất phát từ dòng tiền nào, khi gia nhập vào luồng tiền tệ chung đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật nước sở tại trên nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối vai trò chi phối của đồng bản tệ. Kết hối còn là cách thức thể hiện sự tự tin của chính sách tiền tệ quốc gia cũng như năng lực kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại, theo đó sẽ bảo đảm mọi giao dịch hoán đổi tiền tệ được thực hiện một cách thông suốt nhằm phục vụ các mục tiêu xuất nhập khẩu một cách có hiệu quả.

Về mặt đạo lý kinh doanh, khi các doanh nghiệp sử dụng nguồn lực của quốc gia (nhân lực/đất đai/tài nguyên...) nhằm tạo nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu đều phải có trách nhiệm thực hiện kết hối để tạo lập quỹ dự trữ ngoại hối tập trung nhằm phục vụ việc thực thi các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Tuy hai mà một, lợi ích của doanh nghiệp phải luôn gắn liền với lợi ích chung của đất nước.

Để bảo đảm sự vận hành ổn định của thị trường, một trong những bổn phận quan trọng của Ngân hàng Trung ương là phải bảo vệ những nhà kinh doanh chân chính, không để họ bị thiệt thòi vì sự tước đoạt do lạm phát cao hoặc chính sách tỷ giá bất hợp lý. Trên tinh thần đó, việc có hay không áp dụng biện pháp kết hối thực ra chỉ phụ thuộc vào trình độ pháp luật và kinh tế của mỗi nước, do hoàn cảnh cụ thể của thị trường quyết định chứ không phải vì trình độ hội nhập cao hay thấp.

Khi đánh giá về thực trạng căng thẳng cung cầu ngoại tệ hiện nay (thực chất là căng thẳng về nguồn cung USD) mọi người thường có xu hướng quy trách nhiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu cố tình găm giữ ngoại tệ để trục lợi chênh lệch tỷ giá, mà không thấy được rằng đây là hậu quả kéo dài của chính sách điều hành ngoại hối vừa lỏng lẻo vừa thiếu nhất quán. Chưa kể tình trạng mất giá tiền tệ do kiềm chế lạm phát chưa tốt, chính hiệu quả thực thi pháp luật yếu kém, chưa đi vào cuộc sống, sự buông lỏng nhiều năm trong quản lý ngoại hối thị trường tự do, tâm lý sính USD, ý thức tự tôn tự hào của người dân đối với đồng nội tệ còn phai nhạt... vô hình trung dẫn đến tâm lý thiếu tự tin đối với đồng tiền trong nước.

Trong điều kiện ai cũng ra sức thủ đắc lợi ích của riêng mình mà không có một chế tài trách nhiệm cộng đồng một cách nghiêm túc và minh bạch thì mọi giải pháp điều hành vì mục tiêu lợi ích chung đều có khả năng đi vào ngõ cụt. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thương mại cũng chưa thực sự làm tốt vai trò là trợ thủ đắc lực cho doanh nghiệp trong nghiệp vụ tư vấn và môi giới mua bán tiền tệ, các sản phẩm hoán đổi ngoại tệ còn đơn điệu, kém đa dạng, thiếu linh hoạt, thua xa về trình độ kỹ năng so với nhiều ngân hàng nước ngoài.

Cách đây nhiều năm, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia thực hiện nghiêm ngặt chính sách kết hối, đi cùng với chính sách nhất quán chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ trong mọi quan hệ giao dịch thanh toán, chính điều này đã góp phần quyết định đưa Trung Quốc trở thành nước có quỹ dự trữ ngoại hối tập trung lớn nhất thế giới.

Cho đến nay, khi đã bãi bỏ hoàn toàn biện pháp kết hối, Trung Quốc vẫn luôn chủ động đối phó với tình hình, kể cả trong tình huống khó khăn do khủng hoảng tài chính, bởi vì công dân và các doanh nghiệp của họ đã hình thành nền nếp, thói quen chấp pháp cao cũng như rất tự tin khi sử dụng đồng tiền của nước mình. Thế mới biết, mọi thứ đều có nguyên nhân gốc rễ của nó, có lẽ đây không chỉ là bài học đầu tiên đối với những nhà hoạch định chính sách?

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.