.

Không chỉ là chuyện của... cây xanh!

Báo Đà Nẵng điện tử ngày 23-5-2009 có một bài viết thật hay của Văn Thành Lê: Chuyện về việc trồng những cây xanh trên đường phố Đà Nẵng. Bài báo cho biết, những kỹ sư như Nguyễn Hữu Kim, Đào Thị Kim Tuyết... đã trăn trở, lặn lội đi từ Nha Trang đến Trà My, Vĩnh Phúc..., để cố tìm cho được những loài cây thích hợp với thời tiết và khí hậu “đỏng đảnh” của Đà Nẵng, sao cho thành phố xanh hơn, đẹp hơn một cách lâu bền, thật là một câu chuyện thật dung dị mà cảm động...

“Nó” bắt đầu từ tình yêu với thành phố quê hương. Quê hương - hiểu theo nghĩa sâu sắc và rộng nhất của từ này, là nơi mà ta đang sống, với bao khát khao cháy bỏng và da diết, mỗi ngày. Một bài học nhỏ thật hay: Chỉ khi nào ta đau đáu vì mảnh đất “Khi ta ở là nơi đất ở/ Khi ta xa đất bỗng hóa tâm hồn”; thì mới có thể làm hết sức mình bổn phận sống đủ đầy. Tình cảm đó chỉ khai nhụy, thành hoa và kết quả nếu có đầu óc tư duy mới mẻ, sáng tạo.
 
Phải tìm cho được những giống cây tốt nhất, đẹp nhất nhưng lại phải có tuổi thọ cao nhất, bởi thành phố không bao giờ trẻ mãi. Con cháu mai này sẽ thầm biết ơn cha ông đã chăm lo chu đáo cho mảnh đất quê hương rợp mát màu xanh. Người viết bài này đã từng đến Thượng Hải, và được nghe kể rằng thành phố đã mua những cây đa non với giá hơn 10.000 tệ (hơn 20 triệu đồng mỗi cây), để cho chúng tỏa rợp bóng mát hàng trăm năm! Nghe và ước ao nước mình sẽ có được tư duy như thế để những thành phố xanh, sạch bền vững đến muôn đời.

Những cây đa non giá hàng chục triệu đồng đó được bọc trong chăn để giữ độ ẩm vào mùa hè, chống lạnh về mùa đông suốt hàng năm trời (bọc tất cả thân cây và cành lớn). Cách chăm sóc cho màu xanh như thế là cách nhìn của một tầm nhìn xa lắm cho tương lai.

Một hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi rằng, nhìn cách họ chăm sóc cây trên đường phố, mỗi người dân đều phải nhìn lại chính mình(!). Một  phản  ứng “dây  chuyền” về cách  hiểu  và sống thật đáng nghĩ suy.

Ở nước ta, trong những năm vừa qua có không ít dự án phủ  xanh đồi trọc bằng cách phá rừng tự nhiên để trồng... bạch đàn(?). Nghe như chuyện từ sao hỏa nhưng lại có thật 100%. Đó là cách “tư duy một nhiệm kỳ” cực kỳ ngắn ngày. Những cách trồng cây theo phong trào hoặc thậm chí bứng cả cây xanh đường phố về trồng trong resort của mình như Thuận Thảo năm ngoái không phải là hiếm.

Cây xanh trên đường phố không chỉ là bóng mát, vẻ đẹp, sự tĩnh tại của tâm hồn sau một ngày lao động mệt nhọc mà còn là “văn hóa sống”, “văn hóa khu biệt” của một thành phố. Mỗi thế hệ rồi sẽ qua đi nhưng màu xanh thân thương mà họ để lại là kỷ vật vô giá của muôn đời. Nếu ai đã từng đến Nha Trang đều thấy rõ nét đặc thù trên đường Trần Phú: Những cụm “nhà tranh, nhà cao tầng”..., được tạo hình đa dạng, độc đáo bởi những cây phi lao. Cách làm đó là điều gợi mở gần gũi về văn hóa, về tương lai.

Mỗi lần đến Đà Nẵng, bao giờ người viết bài này cũng cố gắng một lần đi dọc đường Trần Phú, để ngắm màu xanh từ các tán lá của những cây xà cừ gần như đã trở thành cổ thụ. Nó cho ta biết một cảm giác rất thực về thành phố có tuổi thọ trên một trăm năm - giống như sự tương phản giữa cây cổ thụ và nhà cao tầng là một “ông già luôn hơi tre trẻ”. Cảm giác đó chỉ có những cây xanh mới làm được. Bởi, xây một ngôi nhà hàng chục tầng, dễ lắm. Quá lắm là vài năm. Nhưng để tạo nên màu xanh yên ổn, vững bền thì phải mất hàng trăm năm. Nói như thế để thấy rằng tạo được một màu xanh văn hóa thực sự cho một thành phố là điều không ít khó khăn...

Không phải tự nhiên mà Bác Hồ luôn đi đầu với những “Tết trồng cây”. Tình cảm và Tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều khi giản dị đến bất ngờ: Người muốn giáo dục chúng ta rằng hãy gìn giữ và phát triển đất nước bằng một màu xanh thực sự. Không ai có thể làm giả được màu xanh hài hòa của một thành phố. Có cái gì đáng yêu và chân thực hơn màu xanh của những tán lá của cây xanh?

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.