.

MỘT THỊ TRƯỜNG ĐANG BỎ NGỎ

Kết quả một cuộc thăm dò thị trường mới đây cho biết, các gia đình nông dân có nhu cầu tiêu dùng rất cao đối với các sản phẩm cao cấp, đắt tiền: 95% muốn mua tivi; 92% muốn mua bếp ga; 30% muốn mua giàn nghe nhạc; 30% muốn mua tủ lạnh, v.v… Ở một làng ven thủ đô, gần 3.000 hộ thì đã có trên 600 xe máy. Ở một làng khác của tỉnh Hưng Yên có 300 xe vận tải nhẹ và hàng chục ô-tô 4 chỗ ngồi loại sang. Chỉ cần đến thôn Ninh Hiệp, tên nôm là làng Nành, cách Hà Nội 20km sẽ có đủ các dịch vụ ăn chơi cao cấp không thua kém bất cứ thành phố nào trong nước.

Nhu cầu của nông dân là nhu cầu của trên 70 triệu người và với một lượng khách hàng như vậy, nông thôn nước ta đang là một thị trường tiềm năng rất lớn cho một nền sản xuất nhìn chung còn ở mức vừa và nhỏ như nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thị trường đó lâu nay vẫn còn đóng cửa với hàng hóa trong nước và để ngỏ cho hàng hóa giá phải chăng của nước ngoài. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, giá nông sản rẻ và không ổn định, quỹ tiêu dùng của nông dân rất hạn hẹp là trở ngại rất lớn khiến hàng hóa chất lượng cao không vào được nông thôn.
 
Không bán được hàng, các doanh nghiệp lại càng thờ ơ với thị trường này và không biết từ bao giờ hình thành một tập quán kinh doanh là hàng nào giá rẻ, chất lượng thấp, không còn tiêu thụ được ở thành phố nữa thì đưa về nông thôn, rất hiếm doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ yếu cho nông thôn, trừ những mặt hàng đặc thù như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi. Trong khi quan hệ cung-cầu trong nước vướng mắc như vậy thì hàng tỷ đô la hàng hóa nước ngoài rẻ hơn, chất lượng vừa phải nhưng không đến nỗi quá xấu và đáp ứng được nhu cầu của nông dân tràn vào. Chỉ nhìn vào các loại vật tư nông nghiệp, đồ dùng nội thất, phương tiện đi lại, trang phục của nông dân ta có xuất xứ từ nước nào sẽ thấy tiếc một thị phần bị bỏ phí của hàng hóa trong nước.

Khủng hoảng kinh tế mang lại không ít thiệt hại nhưng đây cũng là một cơ hội vàng để nhìn lại cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng và điều chỉnh hướng phát triển. Không thể cực đoan từ xu hướng toàn lực cho xuất khẩu (hiện chiếm 67% GDP) sang co về tự cung tự cấp, hàng trong nước cho người trong nước được.
 
Nếu chỉ hướng vào thị trường nội địa, chúng ta làm sao tự tiêu thụ được lượng quần áo may mặc sẵn khổng lồ, bốn triệu rưỡi tấn gạo dôi dư, nửa triệu tấn cá da trơn, một triệu tấn cà-phê hằng năm? Nhưng coi nhẹ, ngại vào thị trường nội địa, để mất nông thôn, chúng ta sẽ không thể công nghiệp hóa thành công được.
 
Để làm việc đó, trước hết phải cải thiện hơn nữa sức mua của nông dân, đồng thời thay đổi nhận thức về nhu cầu của nông dân hiện nay, đó không còn là những khách hàng nghèo khổ và chắt bóp như trước nữa và thị trường nông thôn phải được đối xử bình đẳng, không phải là bãi rác chứa hàng hóa thừa ế và chất lượng kém như nhiều người còn nghĩ.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.