Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, đã từng có biết bao điều kỳ tuyệt, vinh quang và thật đáng tự hào. Nhưng có thể nói rằng một trong những sự kiện sâu sắc và nhiều ý nghĩa nhất, đó là Đất Nước có đến ba ngày 19-5 và, ngày nào cũng thiêng liêng, đầy ắp lịch sử cùng sự bất tử với thời gian...
Cách đây 119 năm, ngày 19-5-1890, tại Nam Đàn, Kim Liên, Nghệ An đã sinh thành một bậc vĩ nhân mà tên tuổi của Người sẽ vang khắp cả bốn biển, năm châu; làm dậy sóng mọi tinh thần yêu nước, làm bùng nổ khát vọng độc lập, tự do như chưa có bao giờ!...
21 năm sau, năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước đó, mọi phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, dâng lên, giáng xuống đầu thực dân Pháp, đều lần lượt bị dội ngược trở lại, tả tơi và tan rã. Rất khâm phục những người đi trước, Nguyễn Tất Thành đi để trở thành Nguyễn Ái Quốc; rồi trở về để thành Hồ Chí Minh.
Con đường của Người đi khác với các bậc tiền bối: Người đi sang phương Tây để tìm hiểu sự thật vì, “muốn đánh bại kẻ thù thì phải hiểu rõ kẻ thù”. Đó là nguyên tắc của chân lý cứu nước duy nhất. Chân lý tiếp theo là “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì phải đoàn kết lại”. Chiến lược đại đoàn kết sau này sẽ trở thành một trong những lý luận rực sáng nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước là đi theo chủ nghĩa Lê Nin, đi theo Cách mạng Tháng Mười. Và, Người đã dẫn dắt cả dân tộc ta đi theo con đường mà chính Người đã trải qua. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939). Đảng ta rút vào hoạt động bí mật và thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân.
Thế nhưng, phải thừa nhận một thực tế rằng tên gọi của MTDTTNPĐĐD vừa dài vừa không rõ, bởi cả loài người đang chống chủ nghĩa Fascio (phát-xít), tại sao ta lại phản đế, tại sao ta vẫn tiếp tục “bao cấp” cho cả Đông Dương, trong khi Cách mạng Việt Nam hoàn toàn khác? Câu hỏi chưa thể trả lời vì lịch sử luôn cần đến sự mẫn tiệp đúng lúc của một thiên tài.
Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về. Chỉ vài tháng sau, Người đã đưa ra “câu trả lời” mà suốt hai năm qua chưa ai làm nổi: Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Ngày kết thúc Hội nghị VIII cũng là ngày Nguyễn Ái Quốc chính thức dùng tên mới là Hồ Chí Minh, đó cũng là ngày ra đời của Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Chưa thể kết luận giữa ngày sinh nhật Bác (19-5-1890) và ngày ra đời của Mặt trận Việt Minh (19-5-1941) có liên quan như thế nào; nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng đó là một ngày lịch sử.
Mục tiêu của dân tộc Việt Nam là độc lập và, chúng ta đứng về phe Đồng minh để chống lại chủ nghĩa phát xít. Cái tên ngắn gọn, cái hàm nghĩa mênh mông và sâu sắc đã ngay lập tức cuốn hút cả hàng triệu người “ào ào xông lên”! Nói như thế để thấy tư tưởng của một thiên tài có sức mạnh như cả một đội quân.
Những năm 1957 - 1959, trước sự đàn áp dã man của chế độ Mỹ - Sài Gòn; tình hình cách mạng miền Nam đen tối, tưởng chừng như không có đường ra” (Lê Duẩn). Hội nghị 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1-1959), một lần nữa lại soi đường cho nhân dân ta vượt qua chông gai, trắc trở: “Bất luận tình hình như thế nào, nhân dân miền Nam cũng phải sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng của kẻ thù”! Tư tưởng chỉ đạo đó là nguyên tắc của thống nhất toàn vẹn, độc lập, tự do.
Tuy nhiên, muốn sử dụng bạo lực cách mạng thì phải có thực lực cách mạng bởi K. Marx đã từng chỉ ra rằng lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bởi lực lượng vật chất mà thôi! Để đáp ứng được đòi hỏi đó của thực tiễn lịch sử, Đảng ta quyết định thành lập Đoàn 559 - về sau gọi là Binh đoàn 559, hay còn gọi là Bộ đội Trường Sơn vào ngày 19-5-1959.
Những chiến công như pha trộn giữa lịch sử và huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn càng lung linh hơn bởi “định mệnh lịch sử” từ ngày 19-5 huyền diệu. Công lao của “Bộ đội 19-5”, vai trò của “Mặt trận 19-5” và của vĩ nhân Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5 là một phần không thể giải thích đủ đầy, không bao giờ hiểu hết của sức mạnh từ lịch sử chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc Việt Nam!
Cứ mỗi mùa hè đến, ngày 19-5 lại đỏ bừng trong nắng bởi sắc phượng hồng tươi, rực rỡ hơn bởi màu đỏ của 30-4, 7-5... đan kết, quyện đầy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết không thể nào lay chuyển... và, cao hơn tất cả, là Ngày đó, gắn liền với tên tuổi của một Con Người đã làm thay đổi số phận của một dân tộc và làm thay đổi cả nhận thức của toàn thể loài người tiến bộ về ý nghĩa của hai từ Độc lập, Tự do!
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Những ngày 19-5 lịch sử
Thứ Hai, 18/05/2009, 08:32 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.