.

Sinh con thứ ba

Tin từ báo chí cho biết, chuyện sinh con thứ ba ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đã trở thành vấn đề đáng phải quan ngại. Chẳng hạn, xã Hòa Phong, Hòa Vang có đến 25,49% gia đình sinh con thứ ba; ở Hòa Nhơn là 20,70%, còn ở Hòa Phú là 19,20%, Hòa Châu 14,9%... (Báo Đà Nẵng số ra ngày 26-5-2009).

Những số liệu trên hàm chứa rất nhiều “thông điệp”, mà nếu ai cũng thờ ơ thì thật là nguy hại. Trước hết, phải lưu ý rằng, hiện nay mỗi năm dân số nước ta tăng thêm trên 1 triệu người là điều đáng báo động thực sự. Không có sự tăng trưởng và thành công kinh tế nào có thể chịu đựng được tỷ lệ tăng dân số như thế. Làm sao có thể phát triển một cách bình ổn nếu cứ mỗi năm qua, chúng ta lại có một tỉnh mới về dân số? Các cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện và giải quyết việc làm… cho 1 triệu người đó là điều gây áp lực thường trực, tất nhiên.

Thứ hai, cách nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ” đã quá ư lỗi thời nhưng không một ai muốn thừa nhận. “Miếng bánh” đất đai, tổng của cải xã hội chỉ có chừng đó – không bao giờ “sinh” ra được; vậy thì, việc tăng nhanh dân số sẽ tạo nên một gánh nặng đáng kể lên toàn xã hội.

Thứ ba, việc cạnh tranh không gian sống, điều kiện sống ngày càng khắc nghiệt là điều ai cũng biết. Thế nhưng, từ “biết” đến “hiểu” lại là cả một con đường dài. Không thể nào chăm sóc con cái thật tốt khi gia đình đông con. “Miếng bánh” thu nhập của một gia đình càng chia nhỏ ra cho nhiều người càng bé lại. Thực tế đó không thay đổi, bất kể cách lập luận bao hàm những nội dung nào. Ở đây, chỉ xét riêng dưới góc độ xã hội học, bố - mẹ đã thiếu trách nhiệm với những đứa con của chính mình!

Những khái quát trên cho thấy rằng nếu cộng đồng (cụ thể là các phường, xã) thờ ơ, không có những giải pháp hiệu quả, quyết liệt thì tình trạng “mưa dầm” của nạn nhân mãn từ áp lực xã hội là một nguy cơ không hề nhỏ. Ngày Quốc tế Thiếu nhi được “sinh ra” để nhắc nhở người lớn rằng phải dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con em chúng ta. Những đứa trẻ thời nay cần nhiều thứ lắm chứ không chỉ là chuyện ăn no, mặc ấm.
 
Về cơ bản, đất nước ta đã giải quyết được một cách tương đối yêu cầu này. Nhất là, trong một thành phố đang phát triển rất nhanh như Đà Nẵng, những yêu cầu sống (chứ không phải là tồn tại) càng nhiều thách thức, khó khăn hơn. Học hành, sách vở, trang phục, phương tiện đi lại…, đều là những thứ không thể dễ cào bằng, không thể dễ “nhắm mắt không thấy, không nghe” như ở nông thôn. Một khi đứa trẻ không được thỏa mãn (hoặc tạm hài lòng) với điều kiện sống cho kịp với bạn bè thì tâm lý bị tổn thương, bị ức chế về điều kiện sống sẽ trầm trọng lắm. Đây là một thực tế hiển nhiên bởi ai cũng biết rằng trẻ em ở các thành phố lớn dễ hư hỏng hơn trẻ em nông thôn nhiều lắm.

Giải pháp ở đâu? Mấy năm qua, vấn đề kế hoạch hóa gia đình bị buông lỏng đã phá vỡ sự cân bằng mà chúng ta phải mất nhiều năm mới xây dựng được. Đây là một bài học lớn của sự nhức nhối. Cần phải làm lại từ đầu bằng các chế tài nghiêm khắc, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Không nhất thiết phải “chờ” cả nước vì Đà Nẵng cần nhận thức được rằng “quỹ của miếng bánh” đất đai, việc làm không phải là vô hạn.

Tiếp đó, cần phải phát động một phong trào thật sâu rộng, sao cho mỗi người dân - những người làm bố, làm mẹ hôm nay và tương lai, đều phải hiểu rằng việc sinh con thứ ba là điều không thể vì nó có hại cho gia đình, xã hội và nhất là, cho con của chính mình. Điều cuối cùng không được coi nhẹ là tình trạng phân biệt giới tính.

Báo chí cho biết khoảng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ “dư ra” 3 triệu đàn ông, giống như Trung Quốc, đang dôi ra 20 triệu đàn ông. Quan niệm trọng nam khinh nữ là đầu mối của hậu họa này. Chừng nào chúng ta chưa loại bỏ được tư tưởng trọng nam khinh nữ thì chừng đó vẫn còn chuyện sinh con thứ ba, thậm chí thứ tư.

Hiểu biết xã hội phải được coi là một trong những nguyên tắc làm nên ý thức đúng và đủ của công dân. Sự khó khăn của một gia đình đông con cũng có nghĩa là tạo nên gánh nặng đối với xã hội. Một ví dụ rất nhỏ, rất rõ nhưng ít người để ý: Khi anh dùng máy lạnh, tức là anh đang xả thêm hơi nóng sang nhà hàng xóm.
 
Nếu ai cũng ý thức được điều này thì dĩ nhiên xã hội sẽ mát mẻ và tốt đẹp hơn rất nhiều. Lời chúc tốt đẹp nhất cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi sắp tới là: Các bậc làm cha làm mẹ hãy nghĩ đến trách nhiệm trực tiếp của mình khi quyết định “kiếm thêm” đứa con thứ ba!

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.