Vào các ngày lễ lớn 30-4 và 1-5 vừa qua, Đà Nẵng đón gần 10 ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi. Con số thống kê sơ bộ cho thấy lượng khách tăng hơn 20% so với năm 2008. Công suất phòng khách sạn dường như đều kín chỗ. Trong bối cảnh suy giảm và khủng hoảng kinh tế, những con số này quả thực rất đáng khích lệ. Chỉ bằng cảm nhận thông thường, mỗi người dân thành phố đều có thể quan sát được không khí nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường, với nhiều đoàn xe du lịch nối đuôi nhau chạy khắp nội thành.
Đông đảo thực khách hội tụ về các nhà hàng, quán xá. Rất nhiều khách bộ hành ngắm cảnh, shopping, tận hưởng làn gió trong lành của biển cả . . . Bên cạnh đó, một hiện tượng đem lại nhiều cảm giác thú vị, đó là có khá nhiều du khách lựa chọn cách đi thưởng ngoạn bằng phương tiện xích lô đạp. Có lẽ những con đường, góc phố của Đà Nẵng hôm nay, tuy chưa thật hoành tráng, nhưng rất sạch sẽ, thoáng đãng, an toàn, mang lại cảm giác yên bình và gần gũi đối với du khách vãng lai, kể cả những người mới đặt chân lần đầu đến Đà Nẵng . . .
Những nét chấm phá trên đây một lần nữa cho thấy Đà Nẵng đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ và đi đúng lộ trình đã vạch ra. Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một thương hiệu đặc trưng, là địa chỉ du lịch có bản sắc, gắn với danh hiệu “Thành phố môi trường”, là điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với tất cả mọi người đang dần trở nên hiện thực. Ngày mai khởi sự từ ngày hôm nay, những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua của chính quyền và nhân dân thành phố đã bắt đầu mang lại thành quả và đơm hoa kết trái.
Dĩ nhiên đây không phải là kết quả ngẫu nhiên hoặc may rủi, mà là cả một quá trình trăn trở, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kể cả phải trả giá, để đi đến một lựa chọn chiến lược với quyết sách và tư duy phát triển hợp lý trong hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Trong điều kiện nước ta, chiến lược phát triển của địa phương này nhiều khi chính là bản sao của địa phương khác, đến giờ vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng cát cứ cục bộ, dẫm chân lên nhau, níu kéo, thậm chí cản trở nhau, vì vậy việc lựa chọn được lối đi riêng mang tính khả thi là hoàn toàn không đơn giản.
Nhắc lại điều này để chúng ta thấy được rằng việc hoạch định chiến lược phát triển mặc dù rất hệ trọng tuy nhiên giải pháp để thực thi chiến lược đó sao cho đến nơi đến chốn mới chính là vấn đề có tầm quan trọng sống còn.
Để xây dựng thành công thương hiệu cho riêng Đà Nẵng, thiết nghĩ còn rất nhiều công việc phải làm và cần làm trên tinh thần thực sự chuyên nghiệp, tận tâm. Trong đó cần đặc biệt chú ý huy động tinh thần tự giác, ý thức chủ động của cộng đồng xã hội và phong trào quần chúng nhân dân, xem đây là nhân tố quyết định trong tiến trình xây dựng và phát triển thương hiệu của thành phố theo hướng bền vững. Thực tế đã cho thấy, mọi hành vi phát triển đều mang đậm dấu ấn của hành vi con người.
Một trong những yếu tố khiến du khách “một đi không trở lại” chính là thái độ cư xử của người bản xứ, nếu không có tính nhân văn, thiếu sự ân cần và lòng mến khách thì mãi mãi sự nghiệp của một quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng sẽ khó lòng đạt được những tiến bộ đột phá. Một điều rất may mắn là ở mảnh đất Duyên hải miền Trung này, ý Đảng lòng Dân đã quyết, đất lành chim sẽ đậu, vận hội lớn đang mở ra, cùng quy tụ mọi người chung sức chung lòng đưa con tàu Đà Nẵng vượt sóng, đến bến bờ thành công.
TÂM DÂN
.
.
Suy nghĩ về thương hiệu Đà Nẵng
Thứ Ba, 05/05/2009, 08:15 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.