Theo số liệu thống kê gần nhất, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất hiện đã đạt 292 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 282 ngàn tỷ đồng và trung, dài hạn đạt gần 10 ngàn tỷ đồng. Một điều đáng lưu ý là, trong suốt quý 1-2009 dư nợ tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 2,67% so với cuối năm 2008, nhưng đến cuối tháng 4-2009 tình hình đã có sự thay đổi đột biến với mức tăng trưởng lên đến 11,6%.
Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian sắp đến. Các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ trong nỗ lực chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đi kèm với những gói kích cầu được kịp thời tung ra để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm chi phí, tạo công ăn việc làm, kích thích đầu tư và tiêu dùng trên diện rộng... mặc dù có độ trễ nhất định nhưng bắt đầu phát huy tác dụng tích cực. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trên cả hai sàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu phục hồi khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây đã củng cố thêm lòng tin vào khả năng vượt qua khủng hoảng của nền kinh tế.
Chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng chính sách tài khóa là chìa khóa quan trọng nhất dẫn đến tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cao trong thời gian vừa qua. Thực tế này phản ánh rằng năng lực hấp thụ vốn trong nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều tiềm năng, vì hiện nay hầu hết các doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng là chính. Hệ thống ngân hàng thương mại thời gian vừa qua đã vận hành khá tốt, duy trì được thanh khoản, đặc biệt là đóng vai trò đầu tàu trong quá trình hỗ trợ lãi suất và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Bản thân các doanh nghiệp mặc dù đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, nhưng đã nhanh chóng ý thức được yếu tố thời cơ, tranh thủ tận dụng chủ trương hỗ trợ nhiều mặt của Chính phủ để gia tăng năng lực tự điều chỉnh, củng cố nội lực, duy trì sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Khó khăn nổi lên hiện nay là quan hệ cung cầu thị trường ngoại tệ khá căng thẳng, nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp chậm được đáp ứng, hiện tượng găm giữ đầu cơ ngoại tệ chưa được hạn chế, vi phạm kỷ luật kỷ cương ngoại hối xảy ra rất phổ biến trên “thị trường chợ đen”.
Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm thì vô hình trung sẽ làm triệt tiêu phần lớn những tín hiệu phục hồi tích cực đang diễn ra. Trong tình hình hiện nay, rõ ràng không thể nghiêng về xu hướng lựa chọn một chính sách căn cơ để khắc phục tình trạng đô la hóa còn khá “đậm đặc” trong nền kinh tế, mà cần sớm có những giải pháp mạnh và ngắn hạn để trước mắt lập lại ổn định thị trường.
Ví dụ cần kiên quyết thực hiện biện pháp kết hối ngoại tệ, giảm mạnh lãi suất để khuyến khích vay ngoại tệ, chấm dứt việc hoán đổi sang nội tệ để được hỗ trợ lãi suất. Nhằm hạn chế các nhu cầu mua ngoại tệ, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích thanh toán song biên bằng đồng nội tệ với đối tác nước ngoài hoặc thông qua một loại ngoại tệ mạnh khác ngoài USD, nhanh chóng lập lại kỷ cương ngoại hối trên thị trường tự do...
Những giải pháp kích cầu hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng thực ra không thể kéo dài quá lâu và chỉ được phép duy trì ở liều lượng vừa phải, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, đặc biệt là phải tiên lượng được những hậu quả dài hạn từ chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa đối với chỉ số lạm phát và tăng trưởng kinh tế sau này. Một bài toán khác cần cân nhắc thêm là thông qua chủ trương kích cầu lần này cần tạo thêm động lực đổi mới triệt để theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng nâng cao hiệu năng quản lý, rèn giũa năng lực đối đầu với khủng hoảng, cải thiện mạnh mẽ tính cạnh tranh.
Cần nhận thức được rằng, nền kinh tế thế giới cho dù có phục hồi sớm hay muộn thì cũng sẽ không thể duy trì mô hình đầu tư và tiêu dùng như trước đây, bởi vì mô hình này phản ánh sự phiêu lưu, thiếu bền vững, gây tác hại đến môi trường sống tương lai của nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải chủ động tư duy lại để sớm thích nghi và điều chỉnh.
TÂM DÂN
.
.
Tín hiệu tích cực
Thứ Năm, 21/05/2009, 08:20 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.