Nguồn vốn từ các gói kích cầu của Chính phủ là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhất là lĩnh vực chế biến hàng xuất khẩu. Đối với kinh tế nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ lãi suất vốn vay là cơ hội lớn cho nông dân nâng mức đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, những điều khoản thể hiện trong các quyết định nêu trên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu về vốn ở khu vực nông thôn.
Chủ trương kích cầu bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước đã vô hình trung gây khó cho các đối tượng có nhu cầu khi tiếp cận với nguồn vốn vay này. Cho vay vốn để cơ giới hóa đồng ruộng là cần thiết, song lại bó buộc trong phạm vi máy móc, thiết bị sản xuất trong nước đã không giúp được nhiều đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Không phải các HTX, nông dân sính hàng ngoại, mà thực chất máy móc nông cụ sản xuất trong nước thường chất lượng thấp, giá thành cao, ít thông dụng, khá khan hiếm trên thị trường.
Trong khi đó, máy ngoại nhiều, giá cả phải chăng, chất lượng tốt, nông dân ưa chuộng, lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất vay. Từ sự ràng buộc quá khắt khe này, không ít đối tượng cần mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đành bó tay trước điều kiện giải ngân của ngân hàng.
Đó là chưa nói, tỷ lệ HTX, hộ nông dân, chủ trang trại có nhu cầu mua máy móc, thiết bị không nhiều do diện tích canh tác ít, nhất là ở Đà Nẵng khi mà đất canh tác chỉ còn trên 4.000 ha, chưa thoát được kiểu sản xuất manh mún nhỏ lẻ, máy móc, thiết bị đã có gần như đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, điều khoản cho vay nêu trên không mấy ý nghĩa. Đây là nguyên nhân đến nay các ngân hàng giải ngân cho gói kích cầu này rất thấp.
Trong khi đó, các lĩnh vực rất cần vốn ở khu vực nông thôn như đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, mua cây, con giống, mở rộng nuôi trồng thủy sản, nhất là cá nước ngọt, phát triển kinh tế rừng... không thấy đề cập đến. Đối với ngân hàng, họ chỉ thực hiện theo những điều khoản có trong quyết định đã ban hành, từ đó lĩnh vực có nhu cầu không được vay và ngược lại.
Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là gói kích cầu trực tiếp cho kinh tế nông nghiệp - nông thôn chỉ hỗ trợ lãi suất vay để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy vi tính, vật liệu xây dựng làm nhà ở khu vực nông thôn, vật tư, phân bón sản xuất, đã bó hẹp phạm vi cho vay trong khi nhu cầu các lĩnh vực khác rất lớn.
Đó là chưa nói, thời gian cho vay các gói kích cầu này không dài. Và như vậy, gọi là kích cầu nhưng thực chất tác dụng kích cầu sản xuất không lớn, hầu hết nông dân không mặn mà với nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất này là có cơ sở.
Kích cầu chỉ có ý nghĩa thật sự khi đáp ứng nhu cầu về vốn của từng đối tượng, từng khu vực. Nông thôn Đà Nẵng cần vốn để lập các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, liệu ngành ngân hàng có đủ bản lĩnh “xé rào” để giải ngân cho họ, hay thực hiện đúng các điều khoản của quyết định. Bất cứ chính sách nào ban hành đều có hạn chế nhất định, phù hợp ở nơi này nhưng không phù hợp nơi khác.
Bên cạnh đó, cần phải hiểu rằng, kích cầu ở đây không phải chỉ có ngành ngân hàng và các đối tượng cần vay vốn, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chuyên môn. Nông dân nếu không có định hướng làm ăn từ chính quyền, từ ngành nông nghiệp, họ không có dự án cụ thể sẽ không biết làm gì với số vốn ngân hàng cho vay. Hệ quả là số đông nông dân chấp nhận khó khăn mà không màng đến vốn vay ưu đãi, như thế liệu các gói kích cầu có ý nghĩa?
NGUYỄN CẦU
.
.
Vốn vay ưu đãi cho nông dân: Quá khó
Thứ Năm, 28/05/2009, 08:31 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.