.

An toàn cho người tắm biển

Người Đà Nẵng tự hào vì được sở hữu hàng chục km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng: Non Nước, T20, Mỹ Khê, Thanh Bình, Xuân Thiều... Đầu buổi sáng, cuối buổi chiều những ngày hè nóng nực, oi ả, được ngâm mình trong làn nước biếc, mát lạnh thì còn nỗi sung sướng nào bằng.

Thế nhưng, vẫn còn một số điều băn khoăn về các bãi biển. Đó là độ sạch của nước biển tại các bãi tắm và công tác bảo đảm an toàn cho người tắm biển. Trong đó, an toàn cho người tắm biển thực sự là một nỗi lo, sự bức xúc không chỉ riêng của người dân, mà cả của lãnh đạo thành phố. Nỗi lo đó có căn cứ vì các bãi biển dọc theo đường Sơn Trà - Điện Ngọc, không năm nào không có người chết đuối. Lực lượng cứu hộ hoạt động tích cực nhưng phần do trang thiết bị quá thiếu thốn, phần do kiến thức, kỹ năng công tác chưa đạt trình độ chuyên nghiệp, nên tình trạng người tắm biển chết đuối năm nào cũng xảy ra.

Người ta nói biển dữ, nhưng theo chúng tôi không phải như vậy, những tai nạn tại các bãi tắm chẳng qua do con người chưa thật am hiểu mà bị đó thôi. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này, để biển Đà Nẵng thực sự thu hút được người dân và du khách với vẻ đẹp quyến rũ và sự hiền hòa của nó?

Tìm hiểu các trường hợp bị tai nạn tại các bãi tắm cho thấy nguyên nhân chủ yếu do không biết bơi; nạn nhân tắm ở những  vùng nước xoáy. Cũng không ít trường hợp nạn nhân xuống biển sau khi đã uống rượu bia say; nhiều nạn nhân bị các căn bệnh về tim, mạch... Thêm vào đó, công tác cứu hộ chưa quán xuyến hết địa bàn nên nhiều nơi không kiểm soát được tình hình tai nạn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người tắm biển, theo chúng tôi, có 3 vấn đề đáng quan tâm.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, cảnh báo cần phải được đặt lên hàng đầu và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Ngoài việc tuyên truyền trực quan, các biển thông báo cắm tại các vùng nước xoáy nguy hiểm, thông báo trên hệ thống loa phóng thanh tại các bãi tắm, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục thường xuyên thông báo tình hình các bãi biển như việc xuất hiện các vùng nước xoáy trong mùa mưa bão hay các đợt gió mùa; cảnh báo những trường hợp không được tắm biển.
 
Hướng dẫn người tắm biển tự trang bị phương tiện bảo vệ mình như mang phao cá nhân... Công tác tuyên truyền cần đi vào nhiều tầng lớp nhân dân,  trong các công sở, các tổ chức và đặc biệt là các trường học, các tổ chức thanh, thiếu niên...

Thứ hai, thành phố cần đầu tư thêm những trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ như phao cứu sinh, ca nô, ván lướt.

Thứ ba, xây dựng lực lượng cứu hộ mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Với số lượng nhân viên cứu hộ khiêm tốn như hiện nay (54 người), phải trả cho 14 bãi tắm, với hàng ngàn người tắm biển thì làm sao quán xuyến nổi. Nhiều buổi, sau khi xử lý vài trường hợp ngộp nước, các nhân viên ca trực đã đuối sức!

Công tác cứu nạn tại các bãi biển là công việc nhân đạo. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu được trang bị kiến thức, kỹ năng công tác, đòi hỏi ở nhân viên cứu nạn một tình thương, trách nhiệm cao cả với sinh mệnh của con người. Chính quyền thành phố cần quan tâm hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên đội ngũ những người làm công tác cứu hộ để họ dành toàn tâm, toàn ý cho việc cứu người.

MINH LONG

;
.
.
.
.
.