Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12-6-2009 có đăng bài viết “Đà Nẵng: Thu hút ngày càng nhiều cán bộ có năng lực”. Bài báo cho biết, trong gần 9 năm qua, Đà Nẵng đã thu hút được 656 cán bộ có trình độ ĐH trở lên, trong đó có 1 PGS-TS, 5 TS, 95 ThS. Tính trung bình, mỗi năm có hơn 70 tài năng khoa học tìm về với miền đất lành ấm đượm tương lai...
Có thể nói rằng, chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Đà Nẵng trong thời gian qua là khá ấn tượng. Rất nhiều chương trình đào tạo nguồn đa ngành đã được xúc tiến. Một trong những nền tảng đáng kể nhất mà nhiều địa phương khác không có được đó là tính hiệu quả trong đào tạo và chuyển đổi chất lượng sâu sắc của ĐH Đà Nẵng.
Việc triển khai ngành công nghệ nano, dạy sinh viên ngành công nghệ thông tin bằng tiếng Anh, đào tạo chuyên viên kỹ thuật bằng tiếng Pháp..., phản ánh cách nhìn toàn diện, thực tế và thật sự khoa học. Chắc chắn rằng, sau khi ra trường, những sinh viên đó không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất tự tin trong giao tiếp và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn và định hướng mới mẻ, sâu sắc của lãnh đạo thành phố đã thực sự đem đến nguồn động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi. Đề án “Tạo nguồn cán bộ các chức danh bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã” là một bước đột phá cần được nhân rộng.
Bài báo trên cho biết rằng 52% cán bộ nguồn được đào tạo theo phương pháp hiện đại có tuổi đời dưới 35, cho phép người dân hy vọng và tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo thứ ba có trình độ, năng lực và sức trẻ mạnh mẽ. Đặc biệt, chương trình đào tạo 100 TS, Th.S giai đoạn 2006 - 2012 đã sắp đến ngày đơm hoa, kết quả. Chỉ tính 59 cán bộ, chuyên viên, các nhà khoa học được cử đi học ở 34 trường ĐH thuộc 9 nước tiên tiến trên thế giới thuộc đề án này đã chứng minh rằng bước chuẩn bị cho sự đột phá, đổi mới toàn diện là hoàn toàn có cơ sở...
Những thành công trên là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, việc thu hút những tài năng thuộc diện cao như thế vẫn là chưa hiệu quả lắm. Với khả năng “bùng nổ” các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao, việc thành lập trường ĐH Quốc tế đang xúc tiến, cải cách hành chính mạnh mẽ..., thì lượng chất xám chưa thể coi là đã tương ứng.
Đây là điều mà Đà Nẵng cần phải có giải pháp đủ hơn, đúng hơn nữa với tầm vóc mới của thành phố lớn nhất và năng động nhất miền Trung. Suy cho đến cùng, dù là khoa học hay quản lý, mỗi lĩnh vực cần phải có một “đầu tàu” đủ sức “kéo” tất cả mọi tài năng tăng tốc. Sự đồng bộ là yếu tố không thể thiếu cho sự thay đổi toàn diện, triệt để.
Dĩ nhiên, sự thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều. Những tín hiệu lấp lánh của tương lai giống như những cánh chim đang “vỗ cánh mặt trời”. Tin tưởng và hy vọng rằng miền đất lành nhiều trái ngọt sẽ càng sai quả hơn nữa, để mỗi mùa sau lại càng thêm rộn rã những thành công và những nụ cười...
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Đất lành chim đậu
Thứ Năm, 18/06/2009, 13:03 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.