Báo Đà Nẵng ngày 25-6-2009 có bài báo thật xúc động: “Hoàn lương nhờ Quỹ hoàn lương”! Bài báo cho biết rằng, kể từ năm 2003, khi Quỹ hoàn lương được lập ra để tạo nguồn vốn cho những cựu tù nhân, cựu trại viên cải tạo làm lại cuộc đời, Quỹ đã giải ngân đến 3 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ chút nào đối với những con người đã từng một vài lần lầm lỗi. Cái đáng quý và đáng trân trọng là ở chỗ, ý nghĩa xã hội, nhân văn của Quỹ đượm cháy nghĩa bao dung và ấm áp tình người…
Những người như anh Phan Lê Tiến, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu; hay chị Huỳnh Thị Ba, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn…, được trợ giúp 3 triệu đồng vốn ban đầu đã tạo nên cơ nghiệp, đủ để bình ổn cuộc sống và nhất là, đủ để xóa bỏ mặc cảm, hòa đồng, gần gũi với bà con chòm xóm. 3 tỷ đồng, có nghĩa là 1.000 người có cơ hội để làm lại cuộc đời, cũng là 1.000 gia đình đã và đang rộn rã tiếng cười vui. Đó quả là điều kỳ diệu của sẻ chia, cưu mang, cảm thông và hạnh phúc. Được biết, đây là Quỹ duy nhất mà Đà Nẵng đã làm được trong tổng số 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Ai cũng biết sự “làm lại” đối với những người đã từng lầm lỗi khó khăn, vất vả biết chừng nào! Chỉ những ai đã một lần trượt ngã mới biết được sự trắc trở của đường đi. Câu thành ngữ đó của người Pháp, cho dù nhiều người dân Đà Nẵng không biết nhưng lại hiểu rõ đủ đầy cái lẽ tận cùng của giá trị sống, cái tình chân, thiện, mỹ của quan niệm Let’s beyond be beyond - Hãy để cho quá khứ trôi về với quá khứ. Giúp cho người từng cơ nhỡ, lỗi lầm quên được quá khứ đáng buồn bằng hiện tại hiểu biết là sự vô giá của tấm lòng.
Đó là điều không hề dễ dàng. Mặc cảm và sự “nhớ” tội lỗi của người khác nhiều lắm. Con người có thể tha thứ nhưng thật khó quên tội lỗi của người khác. Phải có đủ sự rộng lượng chân thành mới mở rộng được vòng tay để thông cảm với mọi sự đau buồn. Tình biển rộng, nghĩa xóm làng, sự cởi mở khoáng đạt của gió và của cát, phải chăng là cội nguồn của cái chất địa - văn hóa (geo - culture) độc đáo, chân tình? 3 triệu cho mỗi người hay 3 tỷ đồng cho 1.000 người chỉ là những con số.
Đằng sau chúng, từ trong cái vô thức lan tỏa mênh mang của những con số đó là con đường đúng duy nhất để cho sự hoàn lương thực sự là bền vững của hoàn lương. Nếu không biết cách để mở rộng vòng tay nhân ái, hắt hủi hoặc thậm chí vùi dập; ai dám chắc những con người đó không phạm thêm một lần vòng lao lý đắng cay? Nói như thế để thấy rằng, xã hội không thể chỉ mở cánh cửa nhà tù là đủ mà phải nhìn xa hơn nữa, chăm lo chu đáo hơn nữa cho những cựu tù nhân khi họ bắt đầu được làm mới cuộc đời. Con đường “bắt đầu” từ cánh cửa nhà tù nặng nề lắm, gian truân lắm đối với mọi cựu tù nhân.
Nếu có thể có một điều ước thì người viết bài này ước ao rằng giá như 62 tỉnh, thành còn lại cũng làm được như (tốt hơn) Đà Nẵng! Chắc chắn rằng, một khi sự thông cảm, bao dung trở thành nhiều đợt sóng lớn, đồng bộ, đều khắp thì cái ác sẽ ít hơn, sự sai lầm sẽ giảm đi, tình người sẽ chan chứa, mênh mông… Cái lẽ được ấy thật là vô giá. Khi mọi sự hoàn lương đều có cơ hội thì sẽ đầy ắp những tiếng cười…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Diệu kỳ Quỹ hoàn lương!
Thứ Ba, 30/06/2009, 13:06 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.