Đà Nẵng vừa có tour du lịch mới: Ra biển câu cá cùng ngư dân. Chuyện tưởng chừng như nhỏ, vì du lịch rồi mở thêm tour là điều rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu và xa hơn một chút, ý nghĩa của sự “chơi mà thật” mang đủ lẽ nặng, đầy...
Trước hết, khi ngư dân đang phải “nằm bờ” vì những chuyện bất an trên biển, thì những du khách ở đất liền đã bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc đến đời sống khó khăn của ngư dân, thật sự là một sự sẻ chia đúng lúc, cần thiết. Có thể hôm nay là những chuyến biển gần, ngày mai sẽ xa hơn và ngày kia sẽ xa hơn nữa... Chủ quyền, cuộc sống, biển và bờ đều đồng hành trong một khát khao chung:
Tình cảm với biển không thể diễn đạt bằng những lời cách xa con sóng mà phải sống cùng sóng, kể cả sóng dữ mới đúng nghĩa sẻ chia. Thứ hai, ngành du lịch rất cần sự đa dạng hóa bởi cuộc đời luôn là sự thể hiện đa chiều của mong muốn, sở thích. Nhiều nước trên thế giới có những tour du lịch như lướt sóng, lặn biển, thi đua thuyền... Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để phát triển hơn nữa ưu thế biển của mình. Thử nghiệm “đồng hành cùng ngư dân” sẽ thực sự phát huy được tác dụng của nó khi nó được tổ chức một cách chu đáo, hấp dẫn. Kinh nghiệm tổ chức ấy không thể đến từ sách vở mà phải trải qua thực tiễn. Đà Nẵng đang đi đúng hướng của lộ trình phát triển.
Thứ ba, mọi người dân Việt Nam đều có tình cảm sâu sắc và trách nhiệm lớn lao đối với vùng biển - đảo của Tổ quốc. Thế nhưng, lâu nay chúng ta chỉ hướng ra biển - đảo chủ yếu thông qua dư luận, báo chí. Chẳng có cách nào tốt hơn khi sự quảng bá “nhận thức biển” được thực tiễn hóa, hành động hóa. Sẽ ngày càng có nhiều người muốn đồng hành cùng ngư dân bởi xét theo ý nghĩa cụ thể nhất, du lịch gắn bó với đất nước, góp phần cùng giữ gìn, bảo vệ và thăng hoa những giá trị bền vững của dân tộc, giống nòi, chắc chắn ý nghĩa sẽ nhân lên gấp bội.
Tất nhiên, để thực hiện được những lộ trình xa hơn, đông người hơn, còn có rất nhiều việc phải làm. Tại sao không tổ chức thật tốt để quảng bá với bạn bè quốc tế, mời càng nhiều càng tốt du khách từ nước ngoài. Những du khách đó sẽ được sống, cảm nhận thật sự với nền văn hóa biển của 1/4 cư dân Việt Nam. Khi ấy, bạn bè sẽ hiểu rõ rằng chủ quyền của đất nước Việt Nam, cuộc sống của hàng triệu người trên suốt chiều dài 3.300km bờ biển đã có tự hàng ngàn năm nay.
Sự cộng hưởng và hiểu biết sẽ lớn hơn rất nhiều. Nghĩ xa hơn chút nữa, tại sao một số nước láng giềng tổ chức tour du lịch ra biển, còn ta lại không thể tổ chức cho du khách ra Trường Sa bằng máy bay hoặc tàu tốc độ cao - tiếp nữa là Hoàng Sa? Ước mơ đó phải là mục tiêu rõ ràng và kiên định. Không ai có quyền chi phối, xâm lấn biển trời của đất nước Việt Nam. Có rất nhiều cách để thể hiện, tuyên bố về chủ quyền. Du lịch là một trong những lộ trình đúng và hiệu quả.
Lễ hội pháo hoa là một trong những “phát minh” sáng giá của niềm tự hào. Không ai có thể ngờ chỉ sau hai năm, hiệu quả và lợi ích lại lớn đến như thế. Còn gì vui hơn khi bạn bè quốc tế hội tụ về Đà Nẵng để chung vui nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng? Đồng hành cùng ngư dân, nếu tổ chức tốt, hiệu quả và tác dụng nhiều chiều cũng lớn lắm. Hãy mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Câu cá cùng ngư dân giữa Biển Đông, với Trường Sa, tại sao không?
KHÁNH CHI
.
.
Đồng hành cùng ngư dân
Thứ Tư, 24/06/2009, 08:04 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.