Môi trường cả nước đang phải oằn lưng ra gánh vác hậu quả của vấn nạn ô nhiễm. Có vô vàn hình thức xâm hại môi trường, trong đó hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp gắn với triển khai các công trình dự án đã trở thành một trong những thủ phạm chính. Không ít doanh nghiệp hoặc dự án đội lốt phục vụ mục tiêu tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, nộp ngân sách cho địa phương... nhưng thực chất chỉ đơn thuần chạy theo mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cục bộ, gây phương hại lớn đến đời sống cộng đồng, phá hoại môi trường sinh thái, làm cạn kiệt tài nguyên.
Hậu quả trầm trọng về mặt môi trường nhiều khi không thể tính được, không thể đo lường bằng thời gian, thậm chí đáng sợ hơn là không còn cơ hội để khắc phục sai lầm đã gây ra. Các kiểu vi phạm tương tự như Vedan hoặc mới đây là Đăk Mi 4 thực ra đang tồn tại biến tướng dưới nhiều hình thức rất khác nhau. Nói nhưng không nên vơ đũa cả nắm, bởi vì đại đa số các doanh nghiệp vẫn hoạt động đúng pháp luật, đóng vai trò là xương sống, trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, bệnh nào thuốc đó, đã đến lúc phải tuyên chiến mạnh mẽ với sự xâm hại môi trường, nếu không e rằng sẽ quá chậm.
Để duy trì sản xuất kinh doanh hoặc triển khai dự án, doanh nghiệp phải cần đến tiền vốn. Có thể là vốn cấp từ ngân sách, vay ngân hàng, huy động của cổ đông, đối tác hoặc dùng quỹ tự có. Theo quy trình thông thường, khi tiếp nhận thẩm định dự án, tổ chức tài trợ vốn luôn xem xét đánh giá những tiêu chí lợi ích kinh tế-xã hội, bao hàm cả tác động về môi trường, tuy nhiên thủ tục này nhiều khi không phải là ưu tiên hàng đầu mà chỉ là hình thức, chưa trở thành quy định pháp lý mang tính bắt buộc.
Vẫn có tình trạng giữa tổ chức tài trợ và doanh nghiệp tự đồng thuận với nhau mà bỏ qua quy định chung. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần thể chế hóa cách thức kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn kinh doanh gắn với các tiêu chí cụ thể và minh bạch trong vấn đề bảo vệ môi trường ngay tại từng doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp hiện nay, nguồn tài trợ tín dụng ngân hàng hoặc cấp phát, thanh toán từ ngân sách chiếm tỷ trọng phần lớn, đây là hai đối tượng phải đưa vào diện kiểm soát với những quy định chế tài chặt chẽ. Đối với doanh nghiệp hoặc dự án triển khai trên các lĩnh vực nhạy cảm về môi trường, yêu cầu tổ chức tài trợ phải gắn hoạt động thẩm định, giải ngân, kiểm tra sử dụng vốn với việc bảo đảm các yêu cầu tối cần thiết về giám sát bảo vệ môi trường.
Tổ chức tài trợ được quyền từ chối thanh toán, đình chỉ giải ngân hoặc thu hồi nợ trước hạn nếu phát hiện doanh nghiệp gây hại môi trường có tính hệ thống đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần hoặc bị kết luận có vi phạm nghiêm trọng. Định kỳ hằng năm, bên cạnh quy định chấm điểm xếp hạng quan hệ với doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cần bổ sung thêm tiêu chí xếp hạng bảo vệ môi trường để làm căn cứ mở rộng hoặc hạn chế quan hệ thanh toán, tín dụng. Đồng thời có chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, kỳ hạn thanh toán nợ... đối với những doanh nghiệp thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường.
Cũng cần lưu ý rằng, ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất của việc thể chế hóa tiêu chí bảo vệ môi trường trong quan hệ cấp vốn, thanh toán, hoặc đầu tư tín dụng chính là hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả các bên có liên quan, loại trừ hiện tượng một doanh nghiệp vi phạm có thể bị tổ chức tài trợ này từ chối nhưng vì lý do nào đó lại được tổ chức tài trợ khác chấp thuận quan hệ (?).
Trong trường hợp nếu bị phát hiện cố tình giải ngân bất chấp các cảnh báo vi phạm về môi trường thì tổ chức tài trợ phải chịu chế tài nghiêm túc của cơ quan pháp luật. Cần ban hành quy định công khai thông tin theo định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những doanh nghiệp và tổ chức tài trợ có dính dáng đến “ điểm đen ô nhiễm ”, bên cạnh đó cần tuyên dương khen thưởng kịp thời những điển hình tốt về bảo vệ môi trường, không chỉ ngay chính tại nơi sản xuất kinh doanh doanh nghiệp mà cả với cộng đồng chung quanh.
Thiết nghĩ, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai sinh tồn của đất nước và dân tộc. Đây là sự nghiệp vô cùng hệ trọng và là nghĩa vụ chung của mọi tổ chức và tầng lớp công dân, đòi hỏi bên cạnh tinh thần thượng tôn pháp luật cần có sự nhập cuộc với ý thức trách nhiệm rất cao thì mới mong đạt được kết quả thực sự bền vững.
HÒA THẠCH
.
.
Đồng tiền đi liền với môi trường
Thứ Hai, 15/06/2009, 07:49 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.