Gần đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, không hiểu sao tôi lại cứ suy nghĩ mãi về những chuyện có thể là cũ, rất cũ chẳng mấy liên quan đến báo chí và mới được kể (viết) lại sau ngày ông Sáu Dân - một người bạn lớn và rất đỗi thân thiết với giới báo chí - ra đi.
Năm 1978, khi có nhiều trí thức bỏ nước ra đi, ông Võ Văn Kiệt (lúc ấy là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) đã gặp gỡ trí thức của thành phố... Ông nói “Anh em cố gắng ở lại, nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Lúc đó có một giáo sư đứng lên trả lời ông “Chúng tôi sẵn sàng ở lại nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người ra đi không phải là chúng tôi”.
Câu nói ấy gây rúng động. Tối hôm đó ở Văn phòng Thành ủy có một cuộc họp, các ý kiến phê phán giáo sư ấy hết sức gay gắt. Có người đề nghị bắt. Ông Sáu Dân làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu buồn. Cuối cùng ông nói “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ tôi thấy anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”.
Nhớ lại chuyện này vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi có hai điều ước:
Một là, các nhà báo hãy dũng cảm có những bài viết với hàm lượng phản biện xã hội cao như những ý kiến nghiêm túc của vị giáo sư ấy. (Chuyện này ông Huỳnh Kim Báu, Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước thành phố Hồ Chí Minh cuối những năm 70 kể, nhà báo Huy Đức ghi, bài đăng trong sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân”, Nhà Xuất bản Tri thức 2008).
Hai là, các nhà lãnh đạo và quản lý có trách nhiệm với những vấn đề liên quan đến sự phản biện xã hội ấy hãy lắng nghe để thấu hiểu, như ông Sáu Dân trong trường hợp trên (và trong nhiều trường hợp khác mà ông đã tự bộc bạch “Nặng lắm, đau lắm nhưng chịu được”, bởi trung ngôn thường là nghịch nhĩ).
Dân tộc ta, đất nước ta – trong đó có thành phố Đà Nẵng của chúng ta – đứng trước những thời cơ lớn và phải vượt qua những thách thức lớn. Chúng ta đang đứng trước những vấn đề lớn nóng bỏng không thể được giải quyết bằng sự đồng thuận hời hợt hay nhất trí hình thức. Sức mạnh lớn, trí tuệ lớn chỉ có thể có khi mỗi người và mọi người dân đều tự do dân chủ trong thực hiện trách nhiệm và quyền công dân của mình, đối thoại cởi mở, tranh luận thẳng thắn, và phải làm thế nào để có nhiều hoạt động phản biện xã hội với sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức.
Tôi rất tán thành ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam: “Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển. Ngược lại, tránh né phản biện xã hội kết quả là sẽ nhận được phản biện xã hội tự phát - mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội” (Phản biện xã hội - Trần Đăng Tuấn - Nhà Xuất bản Đà Nẵng, tr 9).
Phản biện xã hội không dành riêng cho các nhà báo. Nhưng đây là binh chủng hùng hậu cơ động của tổng thể lực lượng và phương thức phản biện xã hội.Xã hội mong muốn và yêu cầu các nhà báo phải là những chiến sĩ tinh nhuệ và có nh iều chiến công trên mặt trận đó. Hơn nữa, Đà Nẵng-Quảng Nam vốn là đất hay cãi, mà cãi đích thực là phản biện.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Hai điều ước
Thứ Sáu, 19/06/2009, 07:57 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.