.

Hãy hành động vì trẻ em

Trẻ em Việt Nam chiếm 36% dân số và các em được hưởng nhiều lợi ích từ những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã đạt được hoặc có triển vọng đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Với tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 cũng như bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 95%. Các trường hợp thiếu vitamin A đã trở nên rất hy hữu. Giờ đây, trẻ em Việt Nam được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Khoảng 97% trẻ em trong độ tuổi được học tiểu học và Chính phủ cam kết tăng cường cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em Việt Nam… Đó là những nhận định của Cơ quan UNICEF Việt Nam về trẻ em Việt Nam mới đây.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trẻ em, nhất là các vùng nông thôn chưa được tiếp cận đầy đủ với nước sạch và các phương tiện vệ sinh môi trường phù hợp; tai nạn thương tích ở trẻ em còn cao, có tới 75% trường hợp tử vong ở trẻ em trên một tuổi là do thương tích mà nguyên nhân chủ yếu là chết đuối và tai nạn giao thông. Đặc biệt, đáng quan ngại hơn cả là tình trạng trẻ em lao động sớm. Nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã buộc phải lao động trước tuổi để kiếm sống.

Nguy hại hơn là các em phải lao động trong những điều kiện, môi trường độc hại và nguy hiểm như khai thác mỏ đá, mỏ than, bị đánh đập, hành hạ. Trẻ em Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng bị xâm hại về tình dục, buôn bán và bạo lực đang có xu hướng gia tăng mà dư luận xã hội gần đây đã lên án mạnh mẽ.

Sự phát triển kinh tế của đất nước đã mang đến nhiều cơ hội cho trẻ em Việt Nam những quan tâm của xã hội. Tháng hành động vì trẻ em năm 2009 với chủ đề “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo” là một thực tế minh chứng cho sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với trẻ em.

Mục đích của Tháng hành động là thúc đẩy phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em nghèo nói riêng; tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn, có thêm điều kiện để được học tập, phát triển cả về thể chất và tinh thần, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động học tập, vui chơi an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè; vận động xã hội xây dựng các công trình và có những sáng kiến vì trẻ em.

Ở thành phố Đà Nẵng, Tháng hành động vì trẻ em (từ 15-5 đến 30-6) được ra quân rầm rộ vào trung tuần tháng 5 tại huyện Hòa Vang. Qua đó, toàn thành phố phát động chiến dịch vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực xây dựng công trình phúc lợi, thực hiện các dự án, kế hoạch hoạt động hỗ trợ trẻ em như triển khai mô hình thí điểm Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; tăng nguồn tài trợ cho các trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các khu vui chơi, giải trí trẻ em.

Phát động phong trào toàn xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều hình thức như tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, phục hồi chức năng; cải thiện môi trường sống; nhận đỡ đầu, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đóng góp xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. Kiểm tra, theo dõi, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vụ việc trẻ em bị buôn bán, xâm hại, ngược đãi, bạo hành, trẻ em lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… của trẻ em được tổ chức trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) và hè năm nay.                                                           

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.