.

Khi học sinh nghỉ hè

Thông tin từ báo chí cho biết, ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, trong năm 2008 có 57 thiếu niên phạm pháp. Thế nhưng, chỉ mới 5 tháng đầu năm 2009, số TN phạm pháp đã lên tới 34 em. Đó là một con số đáng báo động. Và nhất là, khi mùa hè đã bắt đầu...

Đa số học sinh (HS) suốt 3 tháng liền hầu như “không có việc gì để làm” là điều buộc tất cả các bậc phụ huynh phải quan tâm. Đây là quãng thời gian khá dài nên nếu không có các biện pháp, kế hoạch chu đáo thì rất nhiều HS sẽ đi chệch ra khỏi con đường gia đình - trường lớp - học hành.

Điều đầu tiên cần phải quan tâm là không ít HS sẽ “games hóa” ngày hè. Chính mấy tháng hè là “bạn đường” của quá trình nghiện chơi games. Khi đã bị games “tận thu” hết mọi thời gian thì cảm giác học, cảm giác đọc sách sẽ không còn nữa. Rất nhiều bậc cha mẹ tặc lưỡi cho qua vì nghĩ là cho con mình xả hơi sau cả một năm học nhọc nhằn là đúng. Xả hơi thì đúng rồi, nhưng với mức độ nào, quản lý giờ giấc ra sao là cả một vấn đề.

Các nhà xã hội học cho biết, thói quen là một trong những yếu tố quyết định đến tâm lý, tình cảm và năng lực phát triển trí tuệ của con người. Do vậy dù là nghỉ hè đi nữa, mỗi ngày cũng phải buộc con cái học hay đọc sách một vài tiếng. Không thể để xảy ra tình trạng con cái mình được buông lỏng rồi “quên” luôn nhu cầu học và đọc.

Vai trò quan trọng thứ hai trong mùa hè thuộc về tổ chức đoàn thể địa phương. 3 tháng tách biệt khỏi nhà trường làm cho HS rất dễ bị cám dỗ bởi các thói hư tật xấu. Nếu đoàn thể ở phường, xã không tổ chức được những buổi giao lưu, sinh hoạt hè bổ ích thì đó là một điều khó chấp nhận. Chính những hoạt động sinh hoạt hè ở địa phương sẽ tạo nên một động lực mới, một mối quan hệ mới của học sinh với các bạn bè khác trường, với những TN có hoàn cảnh khó khăn.

Chính quyền thành phố rất nên xem xét để cấp cho các cơ sở một khoản kinh phí hoạt động đặc biệt nào đó; để từ cái “nền” này, huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh thì nhất định sẽ tạo nên một không khí hoạt động vui tươi, bổ ích. Đừng nghĩ rằng do kinh phí eo hẹp nên cái khó bó cái khôn mà hãy nghĩ xa hơn một chút: Bỏ ra một khoản tiền không lớn, nhưng cái lợi thì rất nhiều: Tỷ lệ TN hư sẽ giảm, các nguy cơ “hư hỏng hóa, cá nhân hóa, chây lười hóa” được giảm thiểu, tính “cộng đồng hóa, xã hội hóa” được tăng lên.

Đó là những thành quả không dễ đo lường hay định vị nhưng chắc chắn rằng mùa hè sẽ đẹp và xanh, sạch hơn rất nhiều. Hoạt động có nhiều hình thức lắm. Chẳng hạn, chỉ cần lo cho mỗi học sinh 1 ly nước mía và 1 ổ bánh mì  thôi, thì việc dọn rác ở bờ biển trong một chiều cắm trại của thiếu niên khu phố Y hay khóm X sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa lắm. Những khó khăn trong việc tổ chức sẽ được san bằng nếu các cán bộ đoàn có nhiệt huyết, có đủ khả năng thông cảm, sẻ chia.
 
Trong bài báo “Tình thương gắn với trách nhiệm” (Báo Đà Nẵng, 11-6-2009),  tác giả Anh Quân đã phân tích rất đúng rằng nếu có đủ hai yếu tố đó, tỷ lệ TN hư sẽ giảm bớt. Tình thương hay trách nhiệm là của cả cộng đồng, của chính quyền và gia đình. Thiếu một trong ba giá trị đó thì trẻ em sẽ bước hụt hẫng trong đời.

So với nhiều thành phố khác, Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế trong việc tổ chức “sân chơi” tập thể. Xét về ý nghĩa phát triển “du lịch” nhỏ thì tác dụng và hiệu quả cũng không hề ít một chút nào. Gia đình được an tâm, HS nghỉ hè được vui vẻ thật sự, xã hội an bình, lành mạnh..., là những điều có thật nếu có sự chung tay, góp sức từ mọi hướng. Nếu bỏ qua những lợi thế của địa phương, bỏ mặc cho học sinh tự “xoay xở” lấy quỹ thời gian 3 tháng hè, “người lớn” đã phần nào có lỗi...

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.