Thách thức lớn nhất của loài người trong nửa đầu của thế kỷ XXI là vấn đề môi trường. Vũ khí hạt nhân hay chiến tranh là điều có thể kiểm soát được ở một mức độ nhất định nào đó; nhưng môi trường là vấn nạn thật sự bởi nó xảy ra khắp 192 quốc gia. Nghịch lý đáng sợ nhất là các nước đang phát triển lại “dẫn đầu” thế giới bằng tình trạng phá hoại rừng, gây ô nhiễm, tàn sát các loài sinh vật một cách vô tội vạ…
Trả lời báo chí mới đây, thành viên của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Lê Văn Cuông đã thẳng thắn thừa nhận rằng “Nếu nhìn cả cục diện chung về bảo vệ môi trường (của nước ta) thì hầu như chẳng có chuyển biến gì đáng kể”? Câu nhận xét đó có nhiều điều đáng suy nghĩ. Vụ Vedan ồn ào đến thế mà hàng năm rồi cũng chưa giải quyết xong; các chế tài thì bất cập, chồng chéo; biện pháp thì nương nhẹ và, hầu như chưa có một quan chức nào bị xử lý hình sự, hành chính một cách nghiêm khắc.
Đây là điều khó chấp nhận. Người viết đã từng đến Vạn Lý Trường Thành. Không một ai dám hút thuốc vì cơ quan bảo vệ môi trường thông báo rất dứt khoát: Để đề phòng cháy rừng, mỗi điếu thuốc sẽ bị phạt số tiền tương đương với hơn 2 triệu đồng VN! Nói như thế để thấy rằng chế tài đủ và đúng, cách làm kiên quyết phải được coi là vấn đề nguyên tắc. Có vậy mới cứu được môi trường.
Đã có một thời gian khá dài, Đà Nẵng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Báo Nhân Dân ngày 5-8-2003 phản ánh rằng ở Đà Nẵng có đến 22 điểm nóng; trong đó, cảng cá Thuận Phước chỉ rộng có 1,5ha nhưng mỗi ngày thải ra 4m3 rác. Vietnamnet ngày 20-3-2006 nhận xét là còn 7 điểm nóng như Khu công nghiệp Hòa Khánh, hồ Bàu Tràm, bãi rác Khánh Sơn… Việt Báo ngày 7-7-2006 cho biết, mỗi năm có đến 50.000 lít hóa chất độc hại thấm sâu vào đất - nhất là khi người ta dùng acide để cưa đá. Gần đây nhất là những vụ nhập… rác, bể bồn chứa dầu làm tràn dầu ra biển Liên Chiểu…
Thực trạng trên là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho môi trường bị phá vỡ và thiếu cân bằng sinh thái (như cát, bụi, khói, việc lấp các hồ, ao; nước thải ra sông…). Đây là điều luôn xảy ra với bất cứ khu vực phát triển nào trên thế giới.
Thứ hai, ý thức của các cơ quan quản lý hành chính cũng như ý thức của người dân chưa được nâng lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế. Chẳng hạn, người ta cho rằng vất một bao nilon xuống biển chẳng thấm tháp! Thực ra, nhiều người vất thì sẽ biến biển thành một hố rác.
Thứ ba, thời mới mở cửa, do mong muốn đầu tư, vấn đề môi trường không được chú trọng, nếu không muốn nói là coi nhẹ; thậm chí, phải thẳng thắn thừa nhận là có không ít người sẵn sàng “đổi môi trường để lấy phát triển”. Hậu quả của cách nghĩ và cách làm ấy còn dai dẳng đến tận bây giờ.
Thứ tư, đội ngũ chuyên trách về môi trường hiện nay đang rất thiếu và yếu, nhất là ở cấp phường, xã. Yếu về nhận thức, trình độ kỹ thuật, thiếu về số lượng nói chung.
Thứ năm, việc giải tỏa mặt bằng và thi công nhanh là một trong những thành công lớn của Đà Nẵng. Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu. Tuy nhiên, không ít công trình vẫn có tiến độ chậm. Do đó, rác tích tụ, bụi đầy đường; mưa đến, đường phố lem luốc là điều không hiếm… Đó là chưa nói đến tình trạng ô nhiễm rất nặng về chất độc da cam trong chiến tranh là điều còn phải lo lắng lâu dài.
Một điều đáng mừng là trong Hội nghị về Môi trường mới đây (5-2009), Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng đã có những chỉ đạo sát sao để xây dựng Đà Nẵng ngày càng xanh và sạch đẹp hơn. Những tín hiệu đầu tiên đã có từ năm ngoái như việc Đà Nẵng từ chối hàng tỷ USD đầu tư vào công nghiệp thép, giấy vì lo ngại về môi trường. Hoặc, việc xây dựng mô hình “văn phòng không giấy”, không chỉ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mà còn giảm bớt được hàng chục tấn rác mỗi năm…
Đà Nẵng đã chọn năm 2009 là năm của Môi trường. Đây có thể coi là một cú hích đầy ấn tượng để Đà Nẵng thực sự chuyển mình một cách sâu sắc, toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường. Giáo dục ý thức cho mọi người dân, nhìn rõ những điểm nóng, kiên quyết đặt môi trường lên hàng đầu trong bất kỳ một dự án nào, giải quyết triệt để mọi sai phạm, đầu tư thích đáng về tài chính, nhân lực là “ngũ chính đạo” để đi đến với tương lai hạnh phúc, an bình.
HÀ VĂN THỊNH