Càng ngày càng thấm thía cái giá phải trả cho sự gia tăng về dân số và phát triển chưa bền vững mấy chục năm qua, là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đã đến mức báo động, nói như một số quan chức LHQ tại Việt Nam là đã đến giới hạn, vượt quá giới hạn này sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường và việc khắc phục sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Đất đai bị nhiễm độc và xuống cấp. Các dòng sông và biển bị ô nhiễm cục bộ nghiêm trọng. Rừng nhiệt đới bị tàn phá bình quân 1 triệu héc ta/năm. Nước sạch trở nên khan hiếm. Hệ động thực vật bị suy thoái về chất lượng, giảm sút về số lượng. Tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại, bị khai thác lãng phí.Tình trạng đáng buồn đó chủ yếu do chúng ta gây ra.
Nhưng không phải tình hình môi trường ngày một xấu đi đều do chúng ta gây ra. Tình trạng biến đổi khí hậu do trái đất đang nóng lên chủ yếu do lượng khí thải công nghiệp các nước công nghiệp phát triển thải ra quá sức chịu đựng của khí quyển trái đất nhưng nước ta lại là nước phải gánh chịu nặng nề. Người ta dự báo rằng trong thế kỷ 21, trái đất sẽ nóng lên 5 độ, tương đương với thời kỳ sau kỷ băng hà.
Trái đất nóng lên, thời tiết trở nên thất thường, mưa bão nhiều hơn, băng tan ở hai đầu cực khiến nước biển dâng cao (dự báo mực nước biển cao hơn 30 cm vào giữa thế kỷ và 1 mét vào cuối thế kỷ). Nếu tình trạng nước biển dâng cao như dự báo, đến năm 2050, 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng thấp khác sẽ bị ngập mặn. Đến năm 2100, toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long, Thái Bình, Nam Định, một số đồng bằng ven biển miền Trung sẽ chìm dưới nước mặn nhiều tháng, 22 triệu người sẽ bị mất nhà cửa và đất đai canh tác, hàng chục triệu người khác đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, diện tích nước ta sẽ bị thu hẹp, diện mạo bị thay đổi, không được còn như ngày nay.
Như vậy là đã xuất hiện những khả năng rất xấu về điều kiện sống cho con cháu chúng ta nếu ngay từ hôm nay, mỗi người không ý thức được chúng ta đã tàn phá thiên nhiên đến mức nào và phải làm gì để cứu vãn những sai lầm này. Trước hết, ở quy mô toàn cầu, cần làm hết sức mình để ngăn chặn mọi hành vi tàn phá trái đất, trước hết là ngăn chặn các loại chất thải công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, chiến tranh, vũ khí hạt nhân…
Đối với đất nước mình, cần tham gia ngăn chặn nạn phá rừng, gây ô nhiễm khí quyển, nguồn nước, phá hoại đất đai, lãng phí tài nguyên và rất nhiều việc làm cần thiết khác vì môi trường sống như sinh đẻ có kế hoạch, không lạm dụng túi ni lông, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, không sử dụng những đồ dùng có hại cho môi trường. Nhưng mọi cố gắng của các cá nhân không thay thế được vai trò quyết định của Nhà nước trong bảo vệ môi trường và đề phòng những hệ quả xấu từ ô nhiễm môi trường thông qua việc xây dựng và thi hành luật bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, đầu tư ngân sách cho môi trường và xây dựng kế hoạch dài hạn bảo vệ, khôi phục môi trường sống gắn với các chiến lược kinh tế và xã hội.
Tình trạng mất đất, bị ngập mặn do thay đổi khí hậu đã hiện diện, không còn xa xôi nữa qua việc triều cường gây úng ngập ở TP. Hồ Chí Minh, các dòng sông nhiễm mặn vào mùa hạn và tình trạng bão, mưa, lũ quét, lụt trên diện rộng những năm gần đây. Cần một hệ thống đê biển hơn 3.200 km, cần hệ thống đập ngăn mặn trên các cửa sông, cần điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống thủy lợi, giống cây trồng, tập quán sống và canh tác cho hàng chục triệu người… với chi phí hàng nghìn tỷ đô-la trong nhiều chục năm, những việc đó nếu bây giờ chưa nghĩ đến thì đến bao giờ?
Duy Vũ