.

Ngạt thở hàng nhập lậu

Những thông tin trên báo chí trong thời gian gần đây về việc hàng nhập lậu Trung Quốc đang từng bước xâm nhập vào Việt Nam theo kiểu lạt mềm buộc chặt, làm “ngạt thở” dần dần các cơ sở sản xuất trong nước, thật sự đáng lo ngại. 80% hàng của các cửa hàng giày trên nhiều thành phố là giày Trung Quốc; hàng dệt may với giá rẻ như cho(!) từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh 50% thị trường; sắt thép chất lượng thấp hơn thép Việt Nam tới gần 10%...

Vấn đề phải đặt ra ở đây là tại sao các cơ quan chức năng hầu như chưa có một giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng hàng lậu đang ồ ạt tràn qua biên giới? Không lẽ chúng ta hoàn toàn bất lực để cho mọi ngành sản xuất trong nước thoi thóp từ từ? Những hậu quả trầm trọng tuy đến nay chưa rõ hình dạng cụ thể nhưng lại là điều chắc chắn hiển nhiên: Sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, bất ổn xã hội…, đã và sẽ xảy ra nhanh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Lý lẽ bào chữa cho rằng do đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, lực lượng hải quan, biên phòng quá mỏng nên khó ngăn chặn hàng lậu là thiếu thuyết phục. Nếu cần, tại sao không huy động quân đội lập thành vành đai để ngăn chặn nạn buôn lậu? Mặt khác, nếu không có sự nhắm mắt làm ngơ của các cơ quan chức năng thì hàng lậu không thể đi theo kiểu voi chui lỗ kim công khai và nhiều đến như thế. Thép cây, tôn lá cồng kềnh và nặng nề lắm nên chẳng ai “vác” được nó bằng tay qua biên giới bao giờ(!). Vấn đề rõ như ban ngày nhưng tại sao lại không thấy, không hay? Hàng nhập lậu đang trở thành một kẻ thù “vô hình” và nguy hiểm là điều có thể nhận thức được một cách dễ dàng. Thậm chí, tác động đa chiều của nó còn gây nên những hậu quả lâu dài về mặt xã hội.

Thứ nhất, Chính phủ bỏ ra hàng tỷ USD để kích cầu kinh tế nhưng hàng hóa sản xuất ra không bán được thì chẳng khác gì ta đang tự chặt tay ta. Thứ hai, các doanh nghiệp lớn có thể còn chống chọi được một thời gian nhưng đến khi cạn vốn thì đóng cửa và phá sản hàng loạt sẽ làm đảo lộn nền kinh tế.

Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đã lên đến hai chữ số là điều cần báo động khẩn cấp vì kinh nghiệm thế giới cho thấy, thất nghiệp hai chữ số là “bạn đồng hành” của tệ nạn, xung đột. Thứ ba, làm sao có thể vực dậy nền kinh tế khi cơn bão hàng nhập lậu càn quét liên tục và có cường độ ngày càng cao hơn? Việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5% (vẫn đang làm cho nhiều nhà kinh tế học nghĩ rằng đó là “chỉ tiêu của ước mơ”) và tốc độ tăng phi mã của giá vàng cho biết làn sóng lạm phát mới đang chuyển động dữ dội, không phải như “tin bão xa” mà nó hiển hiện ngay trong cái giỏ đi chợ của các bà nội trợ, mỗi ngày.

Hàng nhập lậu rẻ như bèo là “chiếc xe tự hành” đang “vận chuyển” lạm phát. Thứ tư, dù muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận một thực tế rằng, nếu không ngăn chặn được hàng lậu thì trong một tương lai gần, thị trường tiêu dùng nước ta sẽ bị biến thành một cái túi đựng hàng loại hai của nước láng giềng. Thứ năm, một khi hàng lậu tuồn vào nhiều như thế, người dân có thể sẽ nghĩ rằng phải chăng đã có những quan chức vì hám lợi riêng nên đã và đang bỏ mặc lợi ích chung?

Đã đến lúc cần phải thành lập một Ủy ban chuyên trách chống hàng lậu có quyền hạn cao. Cần phải làm trong sạch bộ máy chức năng đang “bảo vệ biên giới kinh tế” hiện nay. Phải có những chế tài đủ mạnh đối với mọi sự dung túng cho sai phạm lộng hành. Đó là những biện pháp cần kíp.

Chưa thể quá cực đoan như phong trào đấu tranh đầu tiên của nhân dân ta đầu thế kỷ XX: “Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa”. Thế nhưng, bài học lịch sử cách đây 100 năm dạy chúng ta rằng dường như lịch sử đang bắt chước chính nó? Câu chuyện của hàng lậu hôm nay gần giống với sự tàn phá của hàng “ngoại hóa” đối với nền kinh tế nước ta đầu thế kỷ XX. Chỉ khác một điều thôi: Nó đang “sống” ngang nhiên, đe dọa toàn diện, trầm trọng và nguy hại hơn gấp nhiều lần! Nếu đúng thế, thì cái “chết” của hàng tiêu dùng Việt Nam đã được báo trước!

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.