Với việc thực hiện chức năng chuyển tải những chủ trương, đường lối đến với mọi người, và cùng với những thông điệp từ trên xuống, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên. C. Mác đã từng nói về vẻ đẹp của báo chí: “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”. Để có thể là “một dòng thác đầy sinh khí”, báo chí phải “là tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình... là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân”.
Dõi theo những phóng sự nóng bỏng, những thông tin giàu sức cảnh báo, với nội dung truyền cảm đầy tính thuyết phục mà để thu thập được, những người làm báo phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, kể cả không loại trừ khả năng bị đe dọa đến tính mạng, sẽ hiểu ra được cuộc chiến đấu trên trận địa này không kém phần cam go. Sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích sự kiện của một số nhà báo tài năng thể hiện trên nhiều trang của những tờ báo được công chúng đón chờ đã thổi một luồng sinh khí vào đời sống xã hội.
Xã hội nhận ra ở đó cách nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó, tạo ra một áp lực của dư luận xã hội đấu tranh chống lại những tiêu cực, những trì trệ, thoái hóa biến chất của một số người trong bộ máy cầm quyền đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Những trang báo, những cây bút ấy đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của báo chí. Cũng chính vì thế, người đọc thực sự biết ơn những cây bút trung thực và can đảm dám nói lên sự thật, cho dù có phải trả giá đắt cho việc đó. Đồng thời, công chúng cũng bất bình đối với một số “con sâu làm rầu nồi canh” của một vài nhà báo thoái hóa, đã bẻ cong ngòi bút của mình. Tuy nhiên, không thể vì những “con sâu” như vậy mà không thấy ra vai trò không thể thay thế của báo chí trong sự nghiệp phát triển đất nước trước những thách đố gay gắt từ bên trong lẫn bên ngoài.
Chỉ xin gợi lên một sự kiện đã “nóng” lên tại diễn đàn Quốc hội vừa rồi: chuyện sân golf. Ở không ít nơi, người ta nấp bóng “phát triển kinh tế”, triển khai “dự án” để làm chuyện phi đạo lý lấy đất trồng lúa để làm sân golf theo “mô hình golf ba, biệt thự bảy” phục vụ các “đại gia”!
Ai đời một nước đất chật người đông, bình quân diện tích đất trồng lúa trên đầu người nước ta vào loại thấp nhất thế giới, thế mà đất dành cho sân golf có đến 80% là đất nông nghiệp, và trong đó chỉ 30% đất đã được cấp là xây sân golf, còn lại là để xây biệt thự, khách sạn! Chẳng thế mà sân golf Việt Nam nhiều gấp hơn 10 lần bình quân thế giới (cả thế giới có 2.500 sân golf, trung bình mỗi nước chỉ có 14, còn ta thì có đến 166 dự án sân golf)!
Rõ ràng là chỉ có thể thực thi được trách nhiệm xã hội của mình khi “báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”, điều mà C.Mác đã từng đòi hỏi. Dòng chảy của cuộc sống thì vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính, mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng hình thành những hợp trội không dự báo trước được.
Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài hay từ bên trên quyết định. Cũng giống như tốc độ của dòng sông được quyết định từ sức cuộn chảy từ bên dưới, dòng sông cuộc sống cũng vậy. Ý chí và sức mạnh của nhân dân rồi sẽ quyết định sự phát triển của chính nó. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rõ điều đó. Đâu phải chúng ta tự nói, một học giả nước ngoài đã từng đưa ra nhận định “lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” [Edouard De Penguilly].
Phản ánh dư luận xã hội, báo chí thực hiện một trong những chức năng quan trọng của mình: phản biện xã hội. Khi Đại hội X đòi hỏi “Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” đánh dấu một bước mới trên hành trình dân chủ hóa xã hội, trao trách nhiệm nặng nề cho báo chí.
Không có “phản biện” sẽ không có phát triển. Bởi lẽ, khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có phản biện. Tức là có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai và chấp nhận cái đúng, cái sai bị loại bỏ để cho cái đúng được tiếp tục đúng. Nhưng, cũng không chỉ với khoa học. Những “sai lầm được sửa chữa” ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước.
Công cuộc “Đổi Mới” tạo ra một bước đột biến, đẩy tới sự phục hưng đất nước là một minh chứng sống động của “sai lầm được sửa chữa”. Mọi chủ trương, chính sách, mọi chương trình kế hoạch không thể luôn luôn đúng. Nếu không thường xuyên bám sát cuộc sống, nương theo sự vận động, biến đổi và phát triển của cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, sửa sai thì không thể tránh khỏi những thất bại.
Những thông tin phản hồi từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ dưới lên, sẽ là tiền đề không thay thế được của sự điều chỉnh, sửa sai ấy. Cũng vì thế, xu hướng chung của những nhà hoạch định chính sách hiện nay là người ta không vạch ra một cách quá cụ thể một cương lĩnh hành động trong một thời gian quá dài, mà chủ yếu là định hướng được một tầm nhìn, một dự phóng về một hướng đi, rồi từ đó mà đưa ra những chỉ tiêu ngắn hạn.
Cho nên, dân chủ, mở rộng dân chủ, lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới, tạo điều kiện cho “dân mở miệng ra” như Bác Hồ đã từng nhắc nhở, mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch.
Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung”: khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Sự mở rộng của tri thức do được bổ sung liên tục giúp hình thành và củng cố được ý thức và phong cách ứng xử khoan dung, cởi mở, thúc đẩy sự hòa hợp, tin cậy lẫn nhau. Phản biện xã hội gắn liền với nguyên lý bổ sung đó, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiền đề của phát triển.
Sứ mệnh cao quý của báo chí là góp phần quan trọng tạo ra sự đồng thuận xã hội ấy vì “báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân”!
TƯƠNG LAI
.
.
NHÂN NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21-6
Sứ mệnh cao cả của báo chí
Thứ Sáu, 19/06/2009, 08:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.