.

Nỗi lo y tế dự phòng

Sự biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, con người tìm ra nhiều loại hóa chất mới, khả năng kháng thuốc của các loài sinh vật độc hại, cái nghĩ trước mắt làm mờ mọi sự cẩn trọng trước tương lai, cách “tàn sát” dã man của con người đối với các loài sinh vật quý hiếm, thành phố ngày càng chật chội, khai thác tài nguyên không cần quan tâm đến “của để dành” cho con cháu…; tất cả những mối nguy ấy tất yếu sẽ đưa đến việc phát sinh dịch bệnh ngày một nhiều hơn. Và, quan trọng nhất, có cả những căn bệnh chưa thể tìm ra thuốc chữa hiệu quả như cúm A/H1N1 chẳng hạn. Có thể ví von rằng ngành Y tế Dự phòng (YTDP) thời hiện đại (của cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng) đang đi bằng chiếc xe 78 để đuổi theo “kẻ thù” phóng như bay trên chiếc SH đời mới!

Những câu hỏi “ai cũng biết” nhưng chưa cũ bao giờ: Làm thế nào để thay đổi? Thay đổi trên những phương diện nào? Thế nào là dự phòng “vừa đủ” với những tai ương luôn rình rập, khó lường?...

Câu trả lời không dễ dàng.

Trước hết, phải thay đổi tâm lý sống, thói quen ăn uống của toàn xã hội. Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm YTDP Đà Nẵng đã nói rất chính xác rằng “Nếu người dân không thay đổi thói quen trong ăn uống…, thì khó bảo đảm không xảy ra dịch bệnh”. Thức ăn vỉa hè đầy bụi; một thau nước rửa hàng trăm cái bát; vừa ăn xong lại lấy đũa của mình gắp thức ăn cho người khác…

Thứ hai, khi xem xét khả năng phòng chống dịch bệnh của thành phố, trong buổi giao ban trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức với 63 tỉnh, thành phố về chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại 9 điểm cầu vào ngày 4-5 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, BS Phạm Hùng Chiến nêu ra một thực trạng: Cả thành phố chỉ có một máy đo thân nhiệt từ xa, thuốc Tamiflu, máy thở và khẩu trang phòng dịch đều rất thiếu.

Như thế, chúng ta làm sao kiểm soát nổi khách nước ngoài đến bằng đường biển, đường không, đường bộ? Chẳng lẽ xách máy chạy vòng quanh sao? Đó là chưa nói đến máy thở, máy phun hóa chất… đều thiếu. Dù muốn hay không, phải cắn răng, bấm bụng để chi ra một khoản tiền mua sắm thiết bị theo kinh nghiệm “vừa đủ” của các nước tiên tiến. Thử tính xem, nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại lớn gấp hàng trăm lần, đường nào hơn?

Bên cạnh những vấn đề thuần túy vật chất, kỹ thuật; nhất thiết phải dự phòng con người chuyên môn. Việc đào tạo các y sĩ ở cơ sở theo chương trình đại học cộng đồng là rất nên làm. Sau vài năm nữa, Đà Nẵng sẽ có một đội ngũ cán bộ y tế dự phòng có chất lượng. Cần phải lưu ý rằng, nếu có nhiệt tình nhưng thiếu khả năng thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng đem xăng đi chữa… cháy!

Thứ ba, tâm lý chung của người Việt là “nước đến chân mới nhảy”. Đây là điều cực kỳ nguy hại bởi cho rằng “dịch bệnh ở đâu đó”, “nơi khác làm sai chứ mình thì không” là điều khá phổ biến. Dẫn chứng gần nhất là khi “đại họa” “nước tinh khiết” xảy ra khắp cả nước, UBND thành phố không thấy các cơ quan chức năng động tĩnh gì, phải gửi văn bản yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra thì mới phát hiện ra là đã có đến 6 cơ sở nước đóng chai vi phạm(!). Trong số đó, có những cơ sở sản xuất mà tên đọc qua thật là lương thiện: “Năm Sao” (Five Star), “Tốt nhất cho cuộc sống” (Best Life). Phòng ngừa từ xa thường xuyên, nghiêm ngặt, phải được coi là vấn đề nguyên tắc của YTDP.

Có thể nói rằng ngành YTDP là “người anh hùng thầm lặng”. Khi thành phố bình yên, mấy ai nhắc hay nhớ đến họ? Thế nhưng, khi động chuyện ra rồi thì bao nhiêu tội vạ đều trút lên đầu những con người tận tụy trong sự kiệm lời ấy. Xã hội phải công bằng, khách quan hơn - lẽ công bằng ở đây phải bao gồm cả sự đãi ngộ thỏa đáng.

Sự an lành, hạnh phúc của người dân là kết quả có được từ rất nhiều yếu tố. Trong đó, YTDP là công việc thật đáng trân trọng về đạo đức, có ý nghĩa vô giá về kinh tế, ổn định, phát triển…

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.