.

Sau suy thoái là gì?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang ấm dần lên sau đợt băng giá tiếp theo ngay trong mùa hè 2009. Nhưng nếu ai đó nói rằng tình hình đang trở nên sáng sủa thực sự thì e rằng hơi sớm. Những dấu hiệu tích cực, như xu hướng tiêu dùng của người dân, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng, chỉ số giá được kiềm chế, thương mại hai chiều có nhích lên, sự phục hồi nhanh chóng của thị trường chứng khoán…, liệu có phải là chỉ dấu cho sự phục hồi sinh lực của nền kinh tế?
 
Có thể, nhưng… ai mà biết được! Bởi, một khi thế giới đang còn oằn mình chống đỡ với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thì bất cứ nền kinh tế quốc gia nào cũng chưa thể đoán định được tương lai của riêng mình một cách chắc chắn. Thế nhưng, có một điều chắc chắn xảy ra, ấy là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế rồi sẽ phải kết thúc. Vậy, sau nó sẽ là gì?

Câu hỏi “sau nó sẽ là gì” nói trên không hoàn toàn vô nghĩa; ngược lại, rất chính đáng khi đặt ra vào thời điểm hiện nay. Bởi, sau đó sẽ là những hệ quả của những hành động mà chúng ta đang thực hiện hiện nay. Ví dụ, tác dụng của gói kích cầu không chỉ có ý nghĩa giải quyết các vấn đề trong giai đoạn hiện tại mà chắc chắn còn để lại hệ quả cho giai đoạn “hậu khủng hoảng”.  

Những diễn biến gần đây đang đặc biệt đáng chú ý. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá vàng liên tiếp xác lập kỷ lục mới. Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích hiện tượng đột biến này, từ tác động của tăng giá dầu mỏ, giảm giá USD đến khủng hoảng chính trị ở Đông Bắc Á. Nhưng có một nguyên nhân hết sức quan trọng, chính là tâm lý lo ngại một cuộc lạm phát trên bình diện rộng. Từ đầu năm 2008 đến nay, chính phủ các nước đã tung ra hàng nghìn tỷ USD để cứu vãn sự sụp đổ của hệ thống tài chính cũng như khả năng tăng trưởng âm của nền kinh tế.
 
Việt Nam với GDP khoảng 70 (2008) tỷ USD cũng phải chi đến 8 tỷ USD cho “gói kích cầu”. Điều này, cả bình diện chung thế giới lẫn riêng Việt Nam, có nghĩa là một lượng tiền mặt rất lớn đã được bơm vào thị trường. Một khi tiền mặt trên thị trường lớn thì khả năng lạm phát là khó tránh khỏi, biểu hiện dễ nhận thấy nhất chính là sự mất giá của đồng tiền.
 
Ngay cả những tiền tệ mạnh như USD cũng đang “rớt giá”, do đó các nhà đầu tư và người tiêu dùng đang chuyển sang tích lũy vàng (nó giải thích vì sao vàng tăng giá mạnh và còn có khả năng tăng nữa). Phải chăng, giá vàng tăng là biểu hiện của lạm phát trong giai đoạn bắt đầu? Điều này cũng chưa hoàn toàn chắc chắn, nhưng tâm lý lo ngại lạm phát phản ánh qua động thái đó của thị trường là điều có thật.

Lạm phát, ít ra là tâm lý lo ngại lúc này về lạm phát, sẽ là vấn đề gần như chắc chắn của giai đoạn “hậu khủng hoảng”. Ngoài lạm phát, nền kinh tế sẽ có thể đối mặt với rất nhiều nhân tố bất lợi khác. Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Tổng Giám đốc chương  trình Fullright của Đại học Havard nói với tôi: “Nếu không thận trọng thì đôi khi chúng ta phải cần đến những nỗ lực phi thường mới giải quyết được những vấn đề vốn là hệ quả của hành động của chúng ta trong giai đoạn hiện nay”.
 
Một trong những tín hiệu đáng mừng là gần đây, các nhà quản lý kinh tế Việt Nam bắt đầu nhắc đến cụm từ “khoảng trống sau suy thoái”. Điều này cho thấy mối quan tâm về giai đoạn sau của suy thoái đã có. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, nói cách khác, còn quá sơ sài so với mức độ quan trọng và cần thiết của vấn đề.

Thiết nghĩ, đã đến lúc, một vài kịch bản về “hậu suy thoái” cần đưa ra bàn luận rộng rãi và sâu sắc hơn không chỉ trong giới chuyên gia, quản lý mà toàn xã hội. Ít ra điều đó cũng giúp ích cho chúng lường trước được những vấn đề sẽ phải đối mặt trong tương lai.

NGUYỄN THỊ EM

;
.
.
.
.
.