.

Sông Vu Gia ngừng chảy?

Mấy ngày qua, hầu như tất cả các tờ báo lớn trong nước đều nói đến chuyện Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 “bức tử” sông Vu Gia. Để đỡ chi phí đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đã có một quyết định “sáng tạo” đến kinh hoàng:

Chuyển nước từ sông Đăk Min - con sông cung cấp 50% lượng nước cho sông Vu Gia, sang sông Thu Bồn. Như vậy có nghĩa là, nếu công trình này hoàn thành như thiết kế hiện nay, 40.000 dân Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ sống dở chết dở vì khô hạn suốt 9 tháng liền. Và, nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp đến 70% nước sạch cho thành phố, sẽ phải ngưng vận hành vì nước nhiễm mặn - tức là, cư dân thành phố Đà Nẵng sẽ thiếu nước (!)?

UBND thành phố Đà Nẵng đã nhìn thấy thảm họa đó (không thể dùng từ nào khác hơn hai từ ‘thảm họa”) nên từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2009, đã 3 lần gửi công văn đến Bộ Công thương yêu cầu phải xem xét lại dự án. Câu trả lời từ Bộ Công thương là… im lặng(!). Không thể chờ thêm được nữa, cuối tháng 5-2009, UBND thành phố Đà Nẵng phải gửi Văn bản số 3178 trực tiếp đến Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đến lúc có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công thương mới quyết định triệu tập một cuộc họp vào ngày hôm nay, 11-6-2009!

Câu chuyện trên có thật nhiều điều đáng ngẫm suy. Thứ nhất, cơ quan quyền lực cấp tỉnh, thành phố mà còn bị cấp bộ phớt  lờ  như thế thì thử hỏi kỷ cương, phép nước ở đâu? Nếu người dân cũng khiếu nại qua đường công văn, giấy tờ thì ý kiến của người dân sẽ có mấy gram trọng lượng? Đó là chưa nói chuyện yêu cầu của thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn chính đáng khi bảo vệ môi trường, khi đấu tranh vì cuộc sống của hàng chục vạn con người.

Thứ hai, cả nước, cả loài người đang nỗ lực để bảo vệ môi trường, tại sao Bộ Công thương lại bất chấp tất cả, muốn dời núi ngăn sông đi đâu là tùy ý thích chủ quan? Bộ chủ quản về công nghiệp mà hành xử thế, chẳng trách gì Vedan ngang nhiên coi thường luật pháp để “giết” cả dòng sông Thị Vải nhưng chẳng bị tội gì. Vấn đề còn lớn hơn nữa nếu nhớ lại rằng từ ngày 11-10-2005, trong Công văn số 1533, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu IDICO “Phải tiếp thu ý kiến của Bộ Công nghiệp và các bộ, ngành, địa phương liên quan”, nhưng IDICO vẫn coi như không có Lệnh của người đứng đầu Chính phủ? Nếu cung cách trên bảo dưới không nghe cứ tiếp diễn mãi hoài mà không có biện pháp để chấm dứt thì biết đến bao giờ đất nước mới thoát khỏi cách làm, cách nghĩ tiểu nông? Dư luận có quyền nghi ngờ về khả năng IDICO đã được che chắn an toàn nên mặc kệ môi trường, chỉ quan tâm đến việc giảm bớt chi phí đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào cũng được che chắn theo cách tương tự thì mấy năm nữa, có bao nhiêu dòng sông sẽ ngừng chảy?

Thứ ba, chuyện thay đổi dòng chảy của một con sông là chuyện phải cẩn trọng vô cùng bởi vì liên quan đến rất nhiều vấn đề về sinh thái, xã hội… Bộ Công thương không cần biết đến cả điều hệ trọng như thế thì thật là nguy hại? Đây là điều dư luận đòi hỏi phải có câu trả lời. Sản xuất điện là công việc cần kíp nhưng không thể vì thế mà buông lỏng quản lý để dẫn đến những hậu quả trầm trọng.

Chuyện của sông Vu Gia còn nói lên rằng tầm nhìn xa là điều mà trong cách quy hoạch phát triển của ta hiện nay yếu là rất bất cập. Sông Vu Gia sẽ tiếp tục chảy như bao đời nay nó vẫn thế. Không ai có thể vì mục tiêu thiển cận của lợi ích cá nhân hay nhóm mà lại có thể bức tử cả một dòng sông. Chỉ có điều, không ít tiền của đã bỏ ra để thay đổi dòng chảy, giờ lại “lối cũ ta về”, thì cái khoản tiền lãng phí khổng lồ ấy biết tính vào đâu?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.