Báo Đà Nẵng điện tử ngày 31-5-2009, có rất nhiều bài viết nói về trẻ em bị nhiễm chất độc da cam và thành phố đã quyên góp được gần 3 tỷ đồng để “xoa dịu” phần nào nỗi đau của các em nhân ngày 1-6. Bài viết “Nơi ấy có phù sa” thật sự đã làm xúc động lòng người bởi những khắc khoải không thể nào hình dung nổi…
Một thành phố hơn 80 vạn dân mà có đến 1.400 trẻ em bị chất độc da cam thì quả là một con số kinh hoàng! Không hiểu “tòa án lương tâm” của Chính phủ Mỹ có biết thực tế này không? Những đứa trẻ nếu nhìn thoáng qua thì vẫn có những ánh mắt, nụ cười thơ ngây, rạng rỡ, sáng ngời. Nhưng chỉ đến lúc tìm hiểu kỹ mới biết có em không nhớ nổi tên mình, có em viết xong rồi lại xé nát những trang vở của chính mình, có em không có chân, có em lại có những cánh tay dị dạng…
Những đứa trẻ bị căn bệnh quái ác và tàn bạo ấy từ chiến tranh cướp đi cuộc đời bình thường nhưng lại chưa hề biết chiến tranh là gì! Đó thật sự là một bi kịch tàn nhẫn. Và, đó mới chỉ là tính riêng thành phố Đà Nẵng. Nếu tính chung cả nước thì chắc chắn phải có đến hàng vạn trẻ em bị chất độc da cam đẩy vào cuộc sống khổ đau, mất mát suốt đời.
Chăm lo cho trẻ em là nhiệm vụ của cả dân tộc, của cả loài người. Nhưng, việc quan tâm đặc biệt đến những mảnh đời bất hạnh như trẻ em bị chất độc da cam, trẻ mồ côi, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ sống ở gầm cầu, nghĩa địa…, quan trọng hơn rất nhiều. Số tiền mà người dân Đà Nẵng chung tay quyên góp được thật nhiều ý nghĩa. Mô hình và cách làm ấy nếu được nhân rộng ra thì tốt biết bao nhiêu. Nói như thế có nghĩa là cần phải có sự chung tay, đồng lòng thực sự của những trái tim của người lớn đối với mọi vòng tay nhỏ nhoi, bất hạnh.
Một vấn đề khác mà chúng ta cũng phải nghĩ suy rất nhiều là chuyện hiện nay rất nhiều gia đình đã và đang sinh con thứ ba. Gánh nặng về vấn đề dân số đang trở thành một áp lực rất lớn đối với toàn xã hội. Nếu tốc độ tăng dân số vẫn tiếp diễn như hiện nay (hơn 1 triệu người/năm), thì việc hàng vạn trẻ em không được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo là điều đương nhiên. Giáo dục cho các bậc làm cha, làm mẹ hiểu rằng trời sinh voi nhưng không thể sinh thêm nhiều cỏ là việc làm cấp bách, cần thiết.
Chừng nào không giảm được tốc độ tăng dân số thì chừng đó việc thoát nghèo là bài toán khó, nếu không muốn tính thêm rằng tình trạng tái nghèo là một hiện thực đương nhiên. Gần 90 triệu dân trong một đất nước ngày càng chật chội, tài nguyên ngày càng ít đi, môi trường ngày càng bị ô nhiễm…, là một hiểm họa thật sự. Chính vì thế, không thể kêu gọi sự quan tâm một cách chung chung.
Cuộc sống cần những giá trị cụ thể, thiết thực; mặc dù chúng ta không phủ nhận những giá trị vô hình về tinh thần, văn hóa. Thống kê về xã hội học cho biết trên cả nước có đến 20 vạn trẻ em lang thang, cơ nhỡ - đó là một con số nhức nhối của toàn xã hội. Đó là chưa nói chuyện hằng năm, có đến hàng vạn học sinh phải bỏ học vì nhà nghèo, vì không thể theo kịp chúng bạn…
Cả dân tộc là một trái tim lớn cùng chung nhịp đập, cùng chung cách nghĩ, cách làm; là điều kiện thứ nhất của việc “vì tương lai con em chúng ta”. Điều kiện thứ hai là Nhà nước phải có một chính sách cụ thể hơn nữa để giải quyết những vấn nạn, tình cảnh nêu ra ở trên.
Hàng loạt vụ án trầm trọng do tuổi teen gây ra trong thời gian qua đã nói lên thực trạng đó. Điều kiện thứ ba để làm cho xã hội lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn là phải giảm thiểu mức tăng dân số. Đây là cái “vô hình” nhưng thực ra lại rất hữu hình: làm sao trẻ em có thể có một cuộc sống được bảo đảm nếu nhà nghèo nhưng lại đông con?
Trái tim, dù lớn như thế nào thì cũng không thể ôm nổi mọi vòng tay bé nhỏ bị cơ cực, bất hạnh đuổi theo. Rất mong những người có trách nhiệm, những người bố, người mẹ hiểu rõ vấn đề để, sao cho, trong xã hội phát triển, những cảnh đời thương tâm ngày một ít hơn…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Trái tim lớn vì những vòng tay nhỏ
Thứ Ba, 02/06/2009, 08:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.