Thành phố Đà Nẵng lại vừa đi đầu cả nước về việc xếp hạng 19 đơn vị khối sở, ngành; 7 đơn vị khối quận, huyện và 6 đơn vị khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố (chưa xếp hạng huyện Hoàng Sa). Theo danh sách này, đứng thứ nhất về việc cải cách hành chính trong 3 khối trên là Sở Nội vụ, UBND quận Thanh Khê và Cục Hải quan. Danh sách xếp cuối bảng của 3 khối lần lượt là Sở Tài nguyên-Môi trường, UBND quận Ngũ Hành Sơn và Kho bạc Nhà nước.
Nhìn qua danh sách trên, thấy có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Trước hết, việc phân loại (dù chỉ ở mức tương đối) cũng là điều đáng làm. Chắc chắn mọi cơ quan, đơn vị sẽ phải cố gắng hơn để tự nhìn lại mình: Đã tốt rồi, phải tốt hơn, chưa tốt thì phải nỗ lực hơn. Cách phân loại như thế, xét theo nghĩa văn hóa công sở là cực kỳ quan trọng. Một trong những nguyên nhân chính “đẻ” ra sự trì trệ của bộ máy hành chính nước ta lâu nay là tình trạng cá mè một lứa. Làm tốt cũng 3 năm lên lương một lần và làm kém cũng thế.
Cách nghĩ và cách làm ấy triệt tiêu sự sáng tạo, đột phá; thậm chí, cào bằng về nhận thức và ý thức. Hậu quả là sức ỳ quá lớn, xu hướng bảo thủ mặc nhiên tồn tại. Điều tiếp theo phải thấy là, từ cách làm trên, phải có một chính sách khen - chê rõ ràng, thiết thực; sao cho nó có thể biến thành một trong những động lực cụ thể để đưa toàn bộ bộ máy hành chính vận hành theo kịp những thay đổi của thời đại, xã hội.
Cải cách hành chính không thể là chuyện bàn quanh, nói cho có. Do đó, những đổi mới hiệu quả phải được cộng hưởng, phát xạ nhanh chóng để tạo nên sự đồng bộ về cung cách điều hành Nhà nước. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu không tạo nên sự đổi mới đồng bộ thì một cái bánh xe trong một cỗ máy không thể tạo nên sự thay đổi của các bộ phận khác. Vấn đề đáng bàn nhất là câu hỏi:
Tại sao trong 4 thứ hạng sau cùng, có đến 3 ngành có vai trò cực kỳ quan trọng lại chậm đổi mới cơ cấu hành chính là Sở VH-TT-DL (18/21), Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (19/21) và Sở Tài nguyên-Môi trường (21/21)? Về nguyên tắc, cơ quan văn hóa - du lịch phải là cơ quan dẫn đầu, năng động trong việc đổi mới. Có như thế thì sức lan tỏa, ý nghĩa của việc tuyên truyền, vận động, thay đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Mặt khác, trong khi nạn ô nhiễm môi trường đang xảy ra ngày một trầm trọng (tình trạng chung của cả nước) mà Sở TN-MT lại chậm chạp như thế, quả là điều đáng quan ngại. Nó không chỉ là sự báo động về những nguy cơ tiềm tàng mà nó còn là lời cảnh báo rất rõ ràng về tác hại của các nguy cơ ấy. Nói một cách ngắn nhất:
Việc quản lý tài nguyên, môi trường cũng như quản lý các khu công nghiệp, chế xuất là những vấn đề cần phải được ưu tiên - khu vực mũi nhọn của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung. Sự chậm trễ về cải cách hành chính của những khu vực quan trọng ấy đồng nghĩa với sự tụt hậu; hoặc, có thể dùng một từ nhẹ nhàng hơn - sự chưa kịp thích nghi với xu thế phát triển chung.
Xếp hạng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của xã hội loài người. Hãy cứ hình dung rằng cuộc sống là cả một quá trình cạnh tranh không ngừng giống như giải đấu Champion League. Gần 50 đội bóng vào cuộc từ đầu mùa giải nhưng chỉ một đội giành được Cub để đứng thứ nhất là FC Barcelona. Những đội bóng thứ hai hay thứ cuối cùng phải nhìn thẳng vào thực tế đó để cố gắng hơn trong mùa giải sau.
Các cơ quan hành chính cũng thế. Sự cào bằng hay “ánh sáng” của hoàng hôn - không phải ban ngày cũng không phải là hoàng hôn, đã không còn đất sống. Đà Nẵng lại một lần nữa đem đến cách nhìn thật sự mới mẻ để sự đổi thay bừng sáng, thành công!
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Xếp hạng cải cách hành chính
Thứ Năm, 04/06/2009, 08:28 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.