Để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã công bố liên tiếp 3 gói hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng. Trong đó, hai gói hỗ trợ theo các Quyết định 131/QĐ-TTg và 443/QĐ-TTg chủ yếu dành cho doanh nghiệp, tốc độ giải ngân khá nhanh, đến nay đã bắt đầu phát huy hiệu quả với dư nợ được hỗ trợ lãi suất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 300 ngàn tỷ đồng, kéo theo mức tăng trưởng tín dụng tăng khá mạnh trong các tháng 4 và 5-2009.
Riêng gói hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg dành cho các nhu cầu vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp, xây dựng nhà ở khu vực nông thôn mặc dù đã ban hành hơn một tháng nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Trên thực tế, Quyết định 497 không chỉ là quyết tâm chính trị mà còn là thiện chí của Chính phủ dành cho nông dân, vốn dĩ lâu nay đã phải tự bươn chải làm ăn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thường xuyên khát vốn, đang là đối tượng chịu tác động nặng nề từ những hệ lụy của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Trong quá trình triển khai QĐ 497, hàng loạt vướng mắc đã được công luận và báo chí nêu ra, tuy nhiên nếu bình tĩnh xem xét thì những trở ngại phát sinh là có thật nhưng không khó đến mức không giải quyết được. Trước hết, cần thấy rằng, sự khập khiễng giữa chính sách và thực tiễn luôn là thách thức thường trực đặt ra cho những người điều hành kinh tế - xã hội các cấp, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, sự dấn thân mạnh mẽ của hệ thống chính trị, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân thì mới mong đạt kết quả tốt.
Hiện vẫn còn nhận thức chưa thống nhất về đối tượng được hỗ trợ theo QĐ 497, theo đó không chỉ nông hộ ở khu vực nông thôn mà tất cả các tổ chức và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực sản xuất - chế biến nông-lâm-diêm-ngư nghiệp cũng đều được hưởng lợi từ chủ trương này. Do đó cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ là khá rộng rãi đối với nhiều thành phần doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ sản xuất... một khi người vay đáp ứng được những tiêu chí tài trợ vốn ngân hàng theo quy định của Chính phủ.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà QĐ 497 hướng đến là khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung, trình độ cơ giới hóa cao, tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với thực tiễn tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nhỏ của một bộ phận lớn nông dân. Qua đó một lần nữa cho thấy sự thiếu vắng cực kỳ đáng tiếc của mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đủ sức thực hiện kiểu liên kết khép kín giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ - cung ứng vốn - dịch vụ... trong quá trình tiến lên sản xuất lớn của nông nghiệp nước ta.
Phần lớn các HTX theo mô hình hiện nay chưa thể là chỗ dựa đáng tin cậy, khó có khả năng lôi cuốn người nông dân tích cực tham gia nhằm đổi mới cung cách làm ăn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó hình thành nên các kênh dẫn vốn tín dụng nhằm tập trung đầu tư cho các dự án có hiệu quả cao, thay vào đó buộc phải cho vay theo dạng nhỏ lẻ, phân tán, vừa gây tốn kém chi phí vừa khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn.
QĐ 497 cũng yêu cầu sự chủ động nhập cuộc của nhiều bộ, ngành, các cấp chính quyền và đoàn thể, tuy nhiên hiệu lực chỉ đạo chưa được như mong muốn. Ví dụ: Khi công bố danh mục các mặt hàng cơ khí, máy móc thiết bị, nông ngư cơ sản xuất trong nước, Bộ Công thương gần như lập lại ngôn từ của văn bản 497 mà hầu như không chỉ ra được bất kỳ thương hiệu nội địa nào khiến người đi vay lẫn ngân hàng cho vay đều rất lúng túng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng cấp tiền để nông dân vay mua máy vi tính là rất tốt nhưng thực ra cách thức sử dụng phương tiện, khai thác thông tin, làm giàu kiến thức... mới là chuyện quan trọng hơn nhiều, chưa kể máy vi tính nếu không có điều kiện kết nối mạng ADSL thì cũng không phát huy tác dụng. Thay vào đó nên tạo điều kiện để nông dân tập làm quen dần với sử dụng máy tính và Internet thông qua các điểm truy cập miễn phí tại các điểm văn hóa xã, phường, kết hợp với việc tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn vận hành một cách bài bản.
Một thực trạng đáng lo ngại đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục, đó là năng lực định hướng và triển khai chính sách tại các cấp xã, phường còn nhiều hạn chế, nhiều chủ trương chính sách không đi vào cuộc sống, thậm chí bị lợi dụng lệch lạc, gây phản tác dụng. Hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn còn nhiều thụ động, chưa kịp thời kiến nghị điều chỉnh những vướng mắc về quy trình thủ tục giải ngân cho phù hợp với hoàn cảnh và tập quán sản xuất của nông dân, thiếu sâu sát tiếp cận người vay nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế, vẫn còn tư tưởng ngại khó, ngại đọng mất vốn . . .
Việc phân tích, tìm ra nguyên nhân nhằm khơi tăng hiệu quả các gói kích cầu đang trở thành câu chuyện thời sự của công luận và báo giới, kể cả trên diễn đàn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội. Tuy còn nhiều vướng mắc nhưng QĐ 497 vẫn được xem như là cơ hội lớn dành cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Xin đừng kêu khó với nông dân!
Đây không chỉ là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp mà còn là nghĩa cử tinh thần của chúng ta đối với giai cấp nông dân, những con người đáng trân trọng, mặc dù đã gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất trong lịch sử “Kháng chiến, kiến quốc” của dân tộc nhưng họ vẫn luôn là lực lượng đi đầu, được mệnh danh là động lực chính của tiến trình đổi mới trong những thập kỷ vừa qua.
HÒA THẠCH