UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ xã, phường và dưới xã, phường diện không chuyên trách. Theo đó, cán bộ Văn phòng Đảng ủy được tăng phụ cấp từ 819.000 đồng lên 983.000 đồng; Phó Công an từ 737.000 đồng lên 885.000 đồng; Trưởng thôn từ 259.000 đồng lên 311.000 đồng…
Đây là một sự điều chỉnh cần thiết, không chỉ trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng mà phải được mở rộng trên cả nước. Lý do thì có rất nhiều. Chỉ xin góp một đôi điều để cùng suy ngẫm. Trước hết, cho dù là không chuyên trách đi nữa thì mức phụ cấp đó vẫn chưa thật tương xứng với công việc ở cấp xã, phường. Cần lưu ý rằng “việc xã, phường” chỉ có vài chục thứ có tên, có định tính, định hình; còn lại, là hàng ngàn việc không tên.
Do đã là không tên nên chuyện làm hay không làm cũng là cái sự… vô cùng! Nếu là người tận tâm, tận sức cho xóm làng thì sẽ làm tốt nhất có thể (chưa nói đến chuyện tận tâm, tận sức). Ngược lại, cách làm cho có, làm nửa vời theo cách trên nói dưới không hay hoặc dưới làm trên không biết, là cái khá phổ biến hiện nay. Trong khi đó, với số tiền phụ cấp ít ỏi, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực thật sự của cán bộ, quả thực là một mong muốn thiếu hiện thực.
Bên cạnh đó, vật giá thì thường xuyên leo thang. Lấy ví dụ “ngắn” nhất và cụ thể nhất là giá xăng. 6 tháng tăng giá năm lần, làm sao đủ tiền mua xăng để chạy đây, chạy đó mà lo cho việc dân, việc xã? Đấy là chưa kể đến các chi phí “lặt vặt” khác như tiền điện thoại, phí này, khoản kia. Một trưởng thôn nói thẳng với người viết bài này rằng chỉ riêng chuyện cưới xin, ma chay, giỗ chạp đã gần… “chết” chứ chưa nói đến chuyện gì khác. Trong thôn có việc (bất kể việc gì) đều mời trưởng thôn. Thế là, trưởng thôn không thể đến tay không! Thành thử cái lẽ cơm nhà, tù và hàng tổng nhiều đến mức vợ cũng không cần phải phàn nàn nữa.
Điều tiếp theo là chúng ta phải thay đổi cách tư duy. Phụ cấp hiện nay là tính theo cách nghĩ của “ngày xưa” - cái thời ít việc để làm, ít dân để không cần lo toan nhiều, ít sự phức tạp để khỏi phải đau đầu, mất ngủ. Nhu cầu thì lớn, sự phức tạp thì luôn cộng hưởng, nhưng phụ cấp cán bộ cứ dẫm chân tại chỗ?
Ai cũng biết câu có thực mới vực được đạo nhưng ít cấp lãnh đạo có thẩm quyền tin rằng phụ cấp cho cán bộ xã, phường ít ỏi là một trong những nguyên nhân đầu tiên gây nên sự gia tăng của tình trạng mất trật tự, trị an, tội phạm… Chỉ cần giả định rằng cái xấu đó, cái ác nào đó nếu được hiểu, được biết thì sự phòng ngừa, ngăn chặn sẽ có hiệu quả hơn nhiều lắm. Ai biết tường tận xóm làng nếu không phải là cán bộ xóm, thôn? Thế nhưng, cán bộ cơ sở không thể sống và làm việc hết sức mình bằng những lời động viên, kêu gọi.
Họ cũng cần giúp đỡ vợ con, cũng cần những chi phí cần thiết. Vậy, nếu mức phụ cấp không được cải thiện thì những nhu cầu tối thiểu biết trông chờ vào nguồn thu nào? Mặt khác, dù muốn hay không thì thời buổi kinh tế thị trường, không thể trông mong sự tôn trọng tuyệt đối của người dân đối với cán bộ chỉ có vài trăm ngàn đồng thu nhập mỗi tháng. Đó là chưa nói đến những chuyện tiêu cực theo cách “tham nhũng vặt” (petty corruption) đang diễn ra tràn lan, tác động không nhỏ đến bộ mặt của xóm làng…
Tăng thêm phụ cấp cho cán bộ cấp cơ sở là điều nên làm. Nếu viện dẫn rằng do kinh phí eo hẹp thì cũng rất nên tinh giản bộ máy để tăng lương, phụ cấp thêm cho những người làm tốt công việc. Điệp khúc “ai cũng không thực sự làm việc nhưng ai cũng có lương; ai cũng có lương nhưng không mua được gì cả; không mua được gì cả nhưng trong nhà có đủ thứ” là một thực trạng chung hiện nay. Nên chăng là trong một tương lai gần, một lần nữa Đà Nẵng sẽ đột phá và thay đổi?
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Phụ cấp cho cán bộ xã, phường
Thứ Hai, 06/07/2009, 07:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.