.

Từ Thuận Phước tới cầu Rồng

Ngày 19-7-2009, Đà Nẵng chính thức khánh thành cầu Thuận Phước - cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài 2.119m (riêng phần cầu chính là 1.850m); đồng thời, khởi công xây dựng cầu Rồng với vốn đầu tư lên đến 1.498 tỷ đồng, chiều dài 666,565m.

Có thể đặt tên cho năm 2009 của Đà Nẵng là “Năm của những chiếc cầu”? Đây không phải là điều ngẫu nhiên, bởi đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong ngày Lễ khánh thành cầu Thuận Phước: “Đà Nẵng đã lựa chọn đúng khâu đột phá quan trọng là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, tạo nên động lực mạnh mẽ để thành phố phát triển…”.

Xét về ý nghĩa kinh tế, kinh nghiệm thế giới cho thấy các nước như Italy, Đức... đã tạo nên đột phá, phát triển nhảy vọt về kinh tế trong những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước bằng mạng lưới giao thông hiện đại, thuận lợi và tiết kiệm. Rõ ràng, “mạch máu” của mọi nền kinh tế - tức giao thông vận tải, luôn là điều kiện thiết yếu đầu tiên cho mọi sự thay đổi.

Điều tương hợp là trong khi toàn thế giới đang nỗ lực kích cầu để vượt qua khủng hoảng, suy thoái; Đà Nẵng đã bắc cầu một cách quyết liệt, toàn diện để thay đổi sâu sắc kết cấu hạ tầng. Cầu Thuận Phước khánh thành đã tạo nên một vành đai thông thoáng thực sự từ Hầm đường bộ Hải Vân băng qua khu kinh tế Điện Nam, Điện Ngọc của Quảng Nam. Đặc biệt, đến năm 2013, khi cầu Rồng được khánh thành, từ sân bay, mọi du khách có thể đến thẳng bãi biển Sơn Trà - một trong những bãi biển “quyến rũ nhất hành tinh”. Đó là chưa kể đến những giá trị rất lớn của những cây cầu này khi bảo đảm sự đi lại thuận tiện nhất cho người dân hai bờ sông Hàn.

Có thể khẳng định rằng, so với tất cả các thành phố lớn khác trên cả nước, Đà Nẵng là thành phố có mạng lưới giao thông hiệu quả và tiết kiệm nhất. Đây là kết quả của một tầm nhìn xa, cách làm từ rất xa trong chiến lược tổng thể phát triển bền vững. Ai cũng biết nạn ách tắc giao thông hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội làm thiệt hại cho nền kinh tế hằng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đó là chưa nói đến sự lãng phí về thời gian, tiền của khi các “dự án” cứ chồng chéo và trì kéo lẫn nhau gây nên các tác động phụ dây chuyền. Bài học từ việc bắc cầu của Đà Nẵng có nhiều lắm. Thứ nhất, quy hoạch của một thành phố tương lai không có chỗ cho những dự án manh mún, thiếu tính thống nhất, tổng thể. Hậu quả của sự manh mún là gần như vô phương cứu chữa bởi khắc phục hậu quả đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều thời gian và công sức.
 
Thứ hai, sự ách tắc về giao thông (đào đường - lấp lại - đào lên…) tác động trầm trọng, toàn diện lên cả xã hội do sự ô nhiễm môi trường, sự ức chế về tâm lý, hiệu suất lao động, sự lãng phí khó tính hết về tính tương quan, phụ thuộc của mọi ngành kinh tế… Thứ ba, không thể có những công trình lớn, thi công đúng tiến độ nếu không đặt quyền lợi của người dân phải di dời, giải tỏa lên trên hết. Lòng dân thuận, đền bù thỏa đáng, hợp lý và khoa học sẽ là động lực để cho thành phố cất cánh, vươn cao. Thứ tư, việc tạo lập biểu tượng của một thành phố, một địa danh bằng một cây cầu không phải là chuyện hiếm trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
 
Chẳng hạn, nhắc đến Huế là phải nghĩ ngay đến cầu Tràng Tiền, nhớ về Hà Nội bao giờ cũng có hai từ Long Biên, hoặc cầu Cổng Vàng (Golden Gate) ở San Francisco, Mỹ… Chắc chắn rằng, khi cầu Rồng được khánh thành, với cách kiến trúc độc đáo: Một con rồng vươn cao, cuồn cuộn sức sống hướng ra biển khơi, trời rộng bao la sẽ là niềm tự hào, khát vọng của mọi người dân Đà Nẵng. Thứ năm, việc triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng - trong đó có những cây cầu là một trong những  giải pháp kích cầu kinh tế đúng đắn và nhiều lợi ích nhất hiện nay. Nó sẽ tạo ra hàng vạn việc làm, tạo ra sự cộng hưởng về lợi ích và hiệu suất…

Trong một tương lai không xa, sẽ có những cây cầu mới thay thế cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý đã xuống cấp (tất nhiên chỉ làm mới chứ không phải đổi tên)… Thành phố sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn và, con người sẽ gần gũi nhau hơn; để cho sự kết nối, đồng tỏa trở thành một sức mạnh lớn lao cho sự phát triển bền vững đến muôn đời…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.