.

Giải quyết tình trạng bỏ học

Chỉ còn vài ba ngày nữa, hàng triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2009-2010. Trong khi nhiều học sinh được gia đình chăm lo đầy đủ cho ngày tựu trường thì đây đó vẫn còn nhiều em tự ti với chính bản thân, chấp nhận chia tay sớm với trang vở học trò.
 
Học lực kém, cha mẹ thiếu quan tâm, sa ngã trước những tác động từ mặt trái xã hội khiến các em hụt hơi, xa dần ghế nhà trường. Thống kê trong năm học 2008-2009, toàn thành phố có 654 học sinh bỏ học, trong đó số học sinh bỏ học ở bậc THCS là 316 em, bậc THPT là 338 em.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp được ngành giáo dục, chính quyền địa phương áp dụng để giải bài toán bỏ học, tuy nhiên đến nay tình trạng bỏ học vẫn còn đang hiện hữu, tạo thêm nhức nhối cho xã hội và làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục khi mà thời điểm trống hội khai trường lại sắp vang lên. Nếu không chung tay hành động thì không ai dám chắc năm học mới này học sinh bỏ học sẽ giảm.

Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, tại Hội nghị bàn giải pháp giảm các hộ đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật mới diễn ra hôm qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo cho ngành giáo dục cần phải tiến hành nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ lớp 1, không để đến khi học sinh bắt đầu cuối cấp mới chạy đua nâng cao đầu vào. Bởi lẽ, hầu hết lý do khiến các em bỏ học là do sức học sa sút, dẫn đến kết quả yếu, kém.

Do đó, để khắc phục điểm yếu này, chất lượng giáo dục là tối quan trọng và cần được đẩy mạnh. Cần chú trọng cả dạy và học, để hạn chế mức độ trồi sụt thất thường giữa học sinh này và học sinh kia. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, nếu giải quyết tốt khâu này, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” từng bước được kiểm soát, hạn chế dần tình trạng bỏ học dang dở.    
      
Đối với địa phương, lãnh đạo thành phố yêu cầu từ năm 2009 này, Bí thư và Chủ tịch các xã, phường trên địa bàn thành phố phải nắm rõ số học sinh bỏ học tại địa phương mình, đồng thời có kế hoạch cụ thể phối hợp với hội đoàn thể vận động gia đình đưa con em trở lại trường. Thành phố sẽ xem xét có những hỗ trợ hợp lý để cho con em trong những gia đình còn khó khăn này tiếp tục tới trường. Nhất quyết không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn.

Có thể thấy, sự quan tâm lo lắng của lãnh đạo thành phố đối với tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn cho thấy đây là việc làm cấp bách, đòi hỏi sự đồng thuận, phối hợp của mọi cấp, mọi ngành, và sự chủ động xây dựng các giải pháp của ngành giáo dục để lôi kéo học sinh bỏ học trở lại trường. Bởi lẽ, hệ lụy từ việc bỏ học chính là nạn mù chữ, thiếu trình độ hiểu biết, trình độ lao động, đó là chưa nói đến nhiều em sẽ sa ngã vào con đường phạm pháp, hủy hoại cuộc đời vào tệ nạn xã hội. Giải quyết vấn nạn bỏ học ngay từ bây giờ sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng cho xã hội trong nhiều năm tiếp theo.

Tuy vậy, đối với học sinh bỏ học, xã hội dù cố gắng mấy cũng chỉ gánh vác một phần, điểm mấu chốt còn lại nằm ở chính những người làm cha, làm mẹ. Con đường học vấn của con cái mỗi gia đình thành hay bại là do chính sự quan tâm chăm sóc, giáo dục từ trong gia đình, gia tộc, dòng họ. Sự uốn nắn về lý tưởng, rèn luyện đạo đức và đầu tư vật chất, tinh thần cho thế hệ sau luôn là trách nhiệm không thể thiếu của các bậc sinh thành. 

Năm nay, ngành giáo dục thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thi đua nhằm đạt những thành tích nổi bật để trở thành một trong những địa phương có chất lượng giáo dục cao trong cả nước. Trong số nhiều cuộc vận động được ngành giáo dục thực hiện có phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
 
Ý nghĩa sâu xa của phong trào này là làm sao tạo môi trường học tập thuận lợi nhất, gần gũi nhất cho học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện để đạt thành tích cao trong học tập. Sức lan tỏa của phong trào là rất lớn, cho nên để hiện thực hóa phong trào này không phải là điều đơn giản, trong đó phải ngăn chặn hiệu quả hiện tượng học sinh bỏ học. Từ đây đến thời điểm tựu trường rất cận kề.  Nếu tâm huyết giúp đỡ học sinh bỏ học, chắc rằng nhiều em sẽ quay lại trường để viết tiếp trang vở mà mình còn dở dang.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.