.

Niềm hy vọng cho người nghèo

Bộ Chính trị vừa có chủ trương tiến hành cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp với các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tạo ra một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
 
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không hạn chế thông thương quốc tế, không hy sinh quyền lợi người tiêu dùng (buộc phải mua hàng hóa chất lượng kém với giá đắt) mà chỉ yêu cầu nếu hàng hóa có chất lượng, giá cả như nhau thì là người Việt Nam, hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nghe đơn giản như vậy, nhưng thực hiện được điều đó đòi hỏi những cố gắng vô cùng lớn ở cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng, nhất là đối với người nghèo. Và cũng đối với người nghèo, đó vừa là cơ hội vừa là niềm hy vọng.

Do buông lỏng quản lý hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả và hậu quả của việc chưa chú ý tới thị trường trong nước trong nhiều năm, đến nay trên 70% thị trường nông thôn, chủ yếu là thị trường của người nghèo đang bị hàng hóa Trung Quốc chi phối. Nói một cách khác, trên 70% người dân Việt Nam (ước khoảng trên 60 triệu người) hiện đang dùng hàng Trung Quốc trong mọi nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Hàng Trung Quốc chất lượng tuy không tốt nhưng giá rẻ, len lỏi đến tận các thôn bản, thay đổi mẫu mã rất nhanh, lại nhập lậu nên càng có điều kiện bán rẻ hơn, từ phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật đến thuốc chữa bệnh, cây kim, sợi chỉ.

Người hứng chịu thiệt thòi chính là Nhà nước (không thu được thuế) và người tiêu dùng ít tiền. Không chỉ vậy, hàng ngoại nhập còn chèn ép hàng nông sản, hàng thủ công trong nước chủ yếu do nông dân sản xuất ra. Người ta có thể nhận thấy điều đó khi vật liệu xây dựng, hoa quả, lương thực, thực phẩm, đồ chơi trẻ em nước ngoài, thậm chí cả củ kiệu muối, tăm tre sản xuất từ nước ngoài đang đẩy hàng Việt Nam ra khỏi sạp hàng các chợ. Cũng dễ dàng nhận thấy tình trạng vải thiều, mận tam hoa, dưa hấu phải đổ đi hàng chục tấn ở cửa khẩu do người Việt Nam chưa chuộng hàng Việt Nam.

Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là tạo thời cơ để các doanh nghiệp và hộ nông dân (kể cả nông dân nghèo sản xuất nhỏ lẻ) tăng “đầu ra”, từ đó có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giành lại thị trường sân nhà với nhu cầu rất lớn lại tương đối dễ tính. Nói thời cơ vì đây là cuộc chiến đấu lâu dài, giá cả và chất lượng sẽ quyết định thành bại. Nếu biết nắm lấy thời cơ để vươn lên, lâu dần sẽ tạo được thói quen thích dùng hàng nội, tự hào về hàng nội như nhiều nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… đã làm được.
 
Khi người Việt Nam từ bỏ thói quen sính hàng ngoại, thích xài sang, có ý thức tự cường dân tộc, ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì lương thực, thực phẩm, rau quả, quần áo may mặc sẵn, giày dép và rất nhiều thứ hàng khác sản xuất tại Việt Nam như xi-măng, phân bón Việt Nam có chất lượng không thua kém hàng ngoại sẽ thoát khỏi tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ. Đó là cơ sở của một nền kinh tế tự chủ được xây đắp từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là niềm hy vọng cho người nghèo khi thị trường được “thay máu”, hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành rẻ, phù hợp với người Việt Nam sẽ chiếm ưu thế, đồng tiền người nghèo kiếm được sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Nhưng muốn có điều đó, mỗi người Việt Nam, dù giàu dù nghèo hãy bắt đầu từ một việc làm yêu nước, đó là thay đổi thói quen mua sắm, có ý thức ưu tiên cho hàng Việt Nam mỗi khi mua hàng.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.