.

Báo động bạo lực học đường

Chỉ trong 10 ngày, hai học sinh lớp 11 bị đâm, chém ngay ở hai cổng trường (Trường THPT Ngô Quyền, quận Sơn Trà và Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu); kết quả là một học sinh chết, một bị thương nặng! Điều nguy hiểm là những kẻ chém người không ghê tay đó hầu hết đang còn ở tuổi vị thành niên (16 và 17 tuổi) và tội ác mà chúng phạm phải đã xảy ra trong trạng thái vô cảm, tàn nhẫn đến mức dư luận phải bàng hoàng!

Điều đầu tiên đáng phải báo động là thời gian gần đây, các vụ án bạo lực xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn. Sự hy sinh anh dũng của Thiếu tá Phan Công Việt cho chúng ta biết rằng trong xã hội có những kẻ bất nhân, hung bạo đến mức thú tính. Thực trạng đó càng rõ hơn khi 2 tên tội phạm tuổi teen bị bắt sau vụ đâm em Võ Nhật Linh đến thủng màng phổi, dập lá lách đã lạnh lùng khai ra rằng chúng làm thế là vì có bạn nhờ “đánh” hộ để trả thù (!)? Mạng sống của con người bị coi thường đến mức đó quả là điều không thể hình dung nổi.

Điều thứ hai rất cần bàn ở đây là chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu có phải Đà Nẵng đang bị nhiều tội phạm từ các địa phương khác trôi dạt về, mang theo “những ngọn gió độc” kích động bạo lực hung hãn hay không? Cần nhớ rằng đây là xu thế chung của các thành phố lớn - đặc biệt là thành phố cảng, tỷ lệ tội phạm giang hồ tứ chiếng rất cao. Nếu nhận định trên là đúng thì nhất thiết phải tổng rà soát an ninh, trật tự để ngăn chặn cái ác - nhất là vận động quần chúng, phụ huynh học sinh tham gia cùng chính quyền, lực lượng công an để sớm phát hiện mầm mống cái ác, bảo đảm trật tự xã hội.

Điều thứ ba nhất thiết phải lưu tâm, đó là, chưa bao giờ công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trẻ vị thành niên lại cấp thiết như bây giờ. Sự sa sút về đạo đức học đường đã trở thành một vấn nạn của cả nước. Không thể nói rằng tự dưng vô cớ các học sinh đó bị đâm, chém ngay ở cổng trường. Phải tìm ra cho được những nguyên nhân và dùng chúng để làm những bài học nhằm giáo dục kịp thời cho lớp trẻ.

Mặt khác, tình trạng học sinh thời nay đi học mang theo hung khí không phải là chuyện cá biệt. Các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường cần phải kiểm tra thường xuyên thực trạng này. Không thể giải thích rằng mang theo hung khí như nĩa, dao ăn là để tự vệ bởi từ chỗ có ý đồ đến lúc phạm tội do nóng nảy, thiếu kiềm chế, chỉ có nửa bước mà thôi.

Làm sao trường học có thể yên tâm dạy tốt, học tốt khi sự bình yên bị phá vỡ. Sự bất an đó còn kéo theo nó nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh - tóm lại là ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Đó là chưa tính đến một nguyên tắc của “tâm lý phạm tội”: Cái ác rất dễ bị kích động, xu hướng bạo lực luôn “phát triển” theo cấp số nhân và dễ lây lan trong cộng đồng. Nói như thế để thấy rằng các nhà giáo dục và các cơ quan chức năng đang đứng trước bài toán rất khó của công tác bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

Cần phải báo động ở cấp độ cao tình trạng bạo lực đang gia tăng hiện nay. Những hành động tội phạm thù ghét con người, coi thường mạng sống của người khác là không thể dung thứ. Dư luận đòi hỏi phải có những biện pháp thật nghiêm khắc và, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhà trường phải thật sự có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa tình trạng bạo lực này.

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.