Trong kỳ Đại hội lần thứ 3 này, sau 8 năm hình thành và phát triển từ Câu lạc bộ rồi nâng cấp thành Hội, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố quyết định xem xét đổi tên thành Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Xem ra, việc thay tên đổi họ là chuyện cũng bình thường, phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử và sứ mệnh của một tổ chức, cá nhân. Nhưng với một quá trình xây dựng tên tuổi trong thời đại hiện nay, xem chừng liệu có sự lãng phí khi tính đến việc xây dựng một danh tính qua cả quá trình phấn đấu, nỗ lực nhằm có một chỗ đứng trong cộng đồng, để rồi phải thay đổi.
Nếu có một nhìn nhận sớm, thì đúng lý ra, cái tên “Doanh nhân trẻ” đã được đặt khi ra đời của hội nghề nghiệp này. Bởi nhìn lại, có thể thấy cái tên “doanh nhân trẻ” đúng hơn với tiêu chí “là tổ chức xã hội tập hợp những hội viên là công dân Việt Nam từ 18 đến 45 tuổi, đang là thành viên lãnh đạo, đại diện cho doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế”; hơn là những doanh nghiệp mới ra đời (được xem là “trẻ”). Không chỉ riêng hội ở Đà Nẵng, mà các tổ chức hội này theo cơ cấu từ Trung ương đến các tỉnh, thành, cũng đều phải đổi tên thành những hội “doanh nhân trẻ” đúng với điều lệ Hội đặt ra từ những ngày đầu thành lập.
Thế nhưng, cũng dễ hiểu cho việc đặt nhầm tên này. Đó là cấp Trung ương ngay từ đầu đã đặt tên là “Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam”. Một phần nữa, khái niệm “doanh nhân” lúc đó chưa có chỗ đứng trong từ điển cũng như cộng đồng, chưa được đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò của họ. Trong Từ điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, năm 1988) không có từ “doanh nhân”, mà chỉ có chú giải trong danh mục từ doanh nghiệp (làm các công việc kinh doanh) từ “giới doanh nghiệp” là “các nhà doanh nghiệp”.
Mãi cho tới gần đây, trong Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng-2009) của Trung tâm Từ điển học-Vietlex, cũng dưới sự chủ biên của Hoàng Phê, thì từ “doanh nhân” mới được đưa vào và được định nghĩa là “những người làm nghề kinh doanh”, đồng thời được ký hiệu thuộc nhóm từ “trtr” - nghĩa là gọi một cách trang trọng! Cách định nghĩa này xem chừng cũng chưa ổn, vì đây chỉ là cách định nghĩa chiết tự “doanh” (trong kinh doanh) với “nhân” là người.
Theo định nghĩa của Từ điển Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia.org), thì “doanh nhân” được hiểu “là những người chủ chốt trong việc quản trị, điều hành một doanh nghiệp” và “hiểu theo nghĩa rộng thì doanh nhân là những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp”. Đồng thời, theo từ điển này, “doanh nhân được xem là một nghề như nhiều nghề khác trong xã hội”.
Thế nên, xem ra cái tên “Hội Doanh nghiệp trẻ” được đổi thành “Hội Doanh nhân trẻ” cũng có cái lý và lịch sử của nó. Nhưng tiếc thay, nếu được đặt đúng lúc, thì có lẽ đã không phải tốn một quá trình xây dựng lại thương hiệu cho một tổ chức xã hội nghề nghiệp đã và đang xác lập được uy tín ngày càng cao trong xã hội.
Nói đến việc đặt tên, xây dựng thương hiệu…, gần đây, cũng được biết một cơ quan chức năng đang xem xét xây dựng thương hiệu “Làng đá mỹ nghệ Non Nước” cho thương hiệu, sản phẩm chung của Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn của thành phố. Thế nhưng, liệu rằng “Non Nước” có phải là địa danh chỉ có riêng ở Đà Nẵng hay không? Không phải! Mà trên toàn quốc này chỉ có Ngũ Hành Sơn là của Đà Nẵng mà thôi; và nói đến Ngũ Hành Sơn, người ta nghĩ ngay đến Đà Nẵng.
Thế thì cũng cần xem lại việc xây dựng thương hiệu này; bởi nếu lấy thương hiệu “Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn” thì có lẽ đơn giản trong việc xây dựng thương hiệu và tránh được những rắc rối, phức tạp trong việc tranh chấp thương hiệu hoặc giả thương hiệu sau này, một khi thương hiệu và sản phẩm này nổi tiếng hơn trên toàn quốc và toàn cầu.
Như đã nói, việc thay đổi tên gọi, thương hiệu… cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, cần tính toán và có tầm nhìn xa trong việc này, để trong điều kiện không cần thiết, tránh mất đi những giá trị lớn đã được xác lập qua quá trình xây dựng và phát triển của nó.Và dĩ nhiên, trong vấn đề này, không chỉ liên quan đến tên gọi mà thôi!
NGUYỄN THÀNH