.

Đừng tạo sự mặc cảm, tự ti cho trẻ em!

Trước khi bước vào năm học mới 2009-2010, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố thực hiện việc giãn thu (không thu gộp các khoản tiền đóng góp theo quy định của Nhà nước cùng một thời điểm), nhằm tránh gây áp lực về kinh tế đối với phụ huynh. 

Thế nhưng, vừa bước vào năm học mới, tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê đã rộ lên tình trạng Ban đại diện Hội phụ huynh lớp đứng ra “vận động” phụ huynh đóng góp tiền mua sắm máy lạnh, thiết bị công nghệ thông tin để giáo viên dạy giáo án điện tử. Việc làm này đã đi ngược lại với quan điểm chỉ đạo của Sở Giáo dục-Đào tạo trước đó, và trở thành gánh nặng về kinh tế đối với nhiều phụ huynh. Bởi lẽ, so với các khoản tiền phải đóng theo quy định của Nhà nước như: tiền vệ sinh, tiền học phí buổi thứ 2, tiền in sao các loại đề kiểm tra… thì số tiền phụ  huynh “tự nguyện” đóng góp để mua sắm máy lạnh, thiết bị công nghệ thông tin lớn hơn rất nhiều lần.

Tuy nhiên, đến khi dư luận xã hội lên tiếng phản ứng, thì đa số lãnh đạo các trường tiểu học lại lý giải việc làm này chủ yếu là do Ban đại diện Hội phụ huynh lớp đứng ra “vận động” phụ huynh đóng góp, chứ nhà trường không có chủ trương đó.

Thực ra, đây là kiểu nói đối phó, thoái thác trách nhiệm của những người quản lý. Nếu như không có sự đồng ý, “bật đèn xanh” của nhà trường thì sẽ không có Ban đại diện Hội phụ huynh lớp nào dám đứng ra “vận động” phụ huynh đóng góp tiền. Vì cuối cùng, những thiết bị được mua sắm từ sự “vận động” tiền đóng góp của phụ huynh đều được sử dụng tại trường, nên không thể có chuyện nhà trường không hay biết được.

Việc “vận động” phụ huynh đóng góp tiền mua sắm các thiết bị nói trên trở thành gánh nặng về kinh tế đối với họ thì đã rõ. Song, ở đây, vấn đề quan trọng hơn chính là sự phân biệt giàu nghèo đã vô tình tạo nên sự mặc cảm, tự ti đối với trẻ em trong cùng một môi trường giáo dục. Ai dám chắc rằng, các em học sinh ở những lớp không được ngồi trong phòng máy lạnh, học giáo án điện tử sẽ không cảm thấy buồn, và mặc cảm khi nhìn thấy bạn bè cùng trường được học tập trong môi trường tốt hơn mình? Đây chính là yếu tố nguy hại vô cùng, do chính người lớn gây ra với các em.

Đáng nói hơn, tình trạng này đã xảy ra lâu nay ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, chứ không chỉ mới xảy ra ở đầu năm học 2009-2010 này. Chưa hết, chuyện “bày vẽ” lắp đặt máy lạnh ở một số trường tiểu học như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho nạn chạy trường, chạy lớp gia tăng và làm quá tải học sinh.

“Tất cả học sinh phải được đối xử công bằng trong cùng một môi trường học tập”, đây được xem là nguyên tắc bất di bất dịch trong ngành Giáo dục-Đào tạo từ xưa đến nay. Chẳng lẽ, những người làm công tác giáo dục-đào tạo lại quên điều này?

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.