.

“Học bất tư tắc võng”

Tại cuộc gặp mặt SV Trường Đại học Ngoại thương nhân dịp khai giảng năm học mới vào ngày Trùng Cửu (9-9-2009), khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân hỏi rằng SV có quay cóp hay không, câu trả lời là sự ấp úng…

Báo chí đã nói khá nhiều về câu chuyện này và coi đó như là sự mặc định ngầm rằng tình trạng quay cóp vẫn còn phổ biến. Đó là một thực tế. Vấn đề cần quan tâm là ở chỗ: Căn nguyên ở đâu và phải giải quyết tình trạng trên như thế nào?

Trước hết, phải thấy rằng sự giả dối trong xã hội hiện nay là cội nguồn, là “thuốc kích thích” gây nên tình trạng xuống cấp của một bộ phận SV hiện nay. Nếu người lớn không trung thực trong kiến thức, bằng cấp; trình độ không tương xứng với cương vị như hiện nay, thì chắc chắn rằng việc đòi hỏi SV trung thực trong thi cử là phi thực tế.

Thứ hai, những bài giảng nhàm chán, cũ kỹ, thiếu sáng tạo đã từng bước, dần dà làm thui chột ý thức đột phá của SV. Họ buộc phải quay sang học vẹt. Đó là chưa kể đến việc chạy theo học bổng - mà học bổng lại tính theo điểm số một cách không chính xác, đã làm cho tinh thần học tập trở thành một gánh nặng mỏi mệt. Bằng mọi giá phải thắng trong cuộc đua tranh học bổng, kiếm bằng giỏi để dễ vào cơ quan Nhà nước đã làm cho ngay cả những SV muốn học tốt cũng đành “lỡ quay”.

Thứ ba, tại sao có “đất” cho học dốt thành “tài” - thậm chí, trở thành người thành đạt trong đời? Thực tế, không ít người dù học lực kém hay học tại chức “cho vui”, học “từ xa” cho có lệ vẫn có việc làm ngon lành, nhiều bổng lộc. Những “tấm gương” nhãn tiền đó triệt tiêu ý thức học tập của những người lười biếng bởi họ biết rằng không phải kiến thức mà cái quyết định cho “thành công” là quan hệ, ô dù, tiền bạc, mánh lới, cơ hội.

Thứ tư, trường đại học mà đầu vào và đầu ra đều giống nhau gần như 100% thì học thật để làm gì? Không học vẫn qua cầu, đó là thực tế không cần phải bàn cãi - ít nhất là trong các ngành khoa học xã hội. Tất nhiên, có một số ít SV có hoài bão, có lòng tự trọng nên vẫn cố gắng học hành chăm chỉ; nhưng số ít này chỉ khoảng vài chục phần trăm; Đề thi nặng về sao chép, làm sao SV có thể học thuộc cho nổi?

Thứ năm, không ít giảng viên đại học đang “giảng” bài theo cách thức đọc - chép. Thực tế đó đặt ra câu hỏi: Tại sao thầy có quyền nhìn giáo án mà trò lại không? “Tấm gương” đọc chép, tự nó là người chỉ đường dễ dàng cho việc quay cóp. Chừng nào mà các trường đại học chưa “thay máu” được cho cách dạy và học như thế thì nguy cơ quay cóp là không thể thay đổi được.

Để ngăn ngừa, giảm bớt tình trạng quay cóp; giải pháp gần là trong các ngành KHXH (90% của tệ nạn quay cóp) phải ra đề thi mở, cho SV quyền tự chọn để phân tích. Không cần phải nhớ nhiều số liệu mà cần sự sáng tạo, cần cách diễn đạt lưu loát ý tưởng. Giải pháp xa hơn là phải thay đổi 5 chuyện bất cập đã nêu ra ở trên.

Người xưa dạy rằng, Học bất tư tắc võng. Tư bất học tắc đãi. Học mà không suy nghĩ là vô ích. Suy nghĩ mà không học là nguy hiểm (tệ hại). Nếu trường đại học buộc SV suy nghĩ không ngừng – ngay cả khi thi, thì giờ đâu để quay, để cóp? Nếu xã hội cần thực chất của tài năng hơn cần bằng cấp thì lẽ tự nhiên quay cóp sẽ không còn đất sống. Nếu thầy giáo luôn đem đến sự hứng khởi và hoài bão sáng tạo thì “tự động nghiên cứu” là lẽ đương nhiên… Những cái “nếu” ấy hầu như ai cũng biết. Tại sao lại không làm?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.