.

Hơn một cái đầu

Tại buổi nói chuyện với cán bộ trẻ đang dự Lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý (khóa 2) do Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 11-9-2009 mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định rằng, cán bộ lãnh đạo - dù đang có trách nhiệm ở bất kỳ cương vị nào, cũng phải hơn người dưới quyền mình “một cái đầu”.

Xác định đủ và rõ tiêu chí của một người cán bộ lãnh đạo luôn là chuyện khó khăn. Người xưa dạy: Cho ở xa để xem lòng trung, cho ở gần để xem lòng kính, cho giữ tiền bạc để xem lòng nhân, giao cho nhiều việc để xem tài, hỏi lúc vội vàng để xem trí, cho vào chỗ phiếm tạp để xem thần sắc… Những phép thử tương tự được đặt ra nhiều lắm để làm cơ sở cho việc chọn quan trước đây. Thời nay, dù bản chất của xã hội và tiêu chuẩn “quan” cũng khác nhưng về cơ bản, các cách thức chọn người, dụng người, tạo cơ hội tốt cho người (dưới quyền) phát huy năng lực, vẫn không hề thay đổi.

Chính vì nguyên lý xuyên suốt và không bao giờ thay đổi trên, công tác chọn lãnh đạo bao giờ cũng là những trải nghiệm khó khăn. Nguyên tắc 1 (bao trùm, cơ bản), như đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã nói là cán bộ lãnh đạo phải hơn những người khác một cái đầu. Tức là, phải có đủ năng lực điều hành, đạo đức trong sáng (cái đầu tỉnh táo, sáng suốt của một trái tim lành mạnh sẽ ít (không) có sai phạm), nhiệt tình công việc, khả năng gắn kết tập thể. Suy rộng ra, người lãnh đạo phải có năng lực lãnh đạo và được mọi người thừa nhận năng lực ấy; tức là có đủ 4 yếu tố: “năng lực, đạo đức, thành tích cá nhân, uy tín”.

Cái phân biệt rõ bản chất của xã hội hiện nay với trước kia là sự khác nhau của hai khái niệm: Cống hiến, phục vụ và, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Nói cách khác, người cán bộ lãnh đạo phải có “ước mơ về mục đích cống hiến” để, đến khi về hưu, rời bỏ chức vụ sẽ tự hào vì “mình đã làm được những gì chứ không phải kinh qua chức vụ gì”. Lời chỉ đạo đó của đồng chí Bí thư Thành ủy buộc chúng ta phải nhớ đến bài học lịch sử mà cách đây 200 năm, Tổng thống Mỹ - tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, Thomas Jefferson đã chỉ ra, khi được hỏi rằng nếu sau này không còn nữa, Jefferson muốn ghi gì trên bia mộ thì ông đã trả lời:
 
“Tôi muốn ghi rõ rằng, nơi đây yên nghỉ tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập, người sáng chế ra lưỡi cày hiệu quả, người sáng lập trường Đại học Tổng hợp Virginia”. Về sau, trên bia mộ của Jefferson, người ta không nhắc đến cái lưỡi cày (ta hay gọi là cày 51, lật cỏ, xới đất tốt) cũng như không hề nhắc đến chức vụ tổng thống hai nhiệm kỳ (1801-1809) của ông. Có lẽ, làm đến chức Tổng thống Mỹ mà không cần nhắc đến chức vụ của mình, đủ biết Jefferson nghĩ như thế nào trong cách ngầm định sự phân biệt về mục đích cống hiến và cái chức vụ.

Để đạt đến “ngưỡng” hơn người khác một cái đầu, người cán bộ lãnh đạo phải học hỏi và tu dưỡng không ngừng. Đặc biệt, với cách phát triển nhanh như hiện nay, lãnh đạo chỉ cần xa rời thực tế, không nắm bắt kịp những thông tin cần thiết thì gần như ngay lập tức sẽ trở thành gánh nặng của tổ chức, địa phương. Thực tiễn đất nước trong những năm gần đây cho thấy rằng có không ít cán bộ lãnh đạo, do thiếu năng lực và đạo đức đã trở thành những tác nhân làm phương hại, gây nên trì trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành của toàn thể bộ máy hành chính.

Bài học của cuộc sống chỉ ra rằng nếu bố mẹ giỏi và tốt, con cái sẽ thành đạt. Cũng giống như vậy, nếu lãnh đạo hơn một cái đầu thì chắc chắn cơ quan hay địa phương đó nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ. Đất nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đang rất cần những cán bộ lãnh đạo như thế.

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.