.

Không ai có lỗi?

Việc báo chí (lại “nhờ” báo chí!) phát hiện một lò sản xuất mỡ “thành phẩm” từ mỡ động vật ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã làm chấn động dư luận cả nước. Điều nhức nhối không chỉ nằm ở 27 tấn mỡ bị bắt khi đang vận chuyển và 20 tấn khác bị niêm phong tại lò mà hệ lụy, hậu quả của văn hóa kinh doanh, trách nhiệm công tác quản lý hành chính trên địa bàn là hết sức đáng bàn!

Ông Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Lai Dũng cho rằng, do đã phân cấp quản lý cho địa phương, nên Sở Y tế không chịu trách nhiệm?! Thậm chí, ông Dũng còn nói số mỡ động vật đó không tiêu thụ ở Đà Nẵng nên không ảnh hưởng gì cả - tức là ngành Y tế Đà Nẵng “trắng án” (LĐ, 21-9-2009)(?). Còn Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn thì thừa nhận rằng có sự lúng túng vì không biết giải quyết như thế nào… Rất nhiều câu hỏi, băn khoăn từ dư luận đòi hỏi sự trả lời rốt ráo, cụ thể.

Thứ nhất, cách quản lý chồng chéo như lâu nay - 4, 5 cơ quan quản lý một viên thuốc hay một cân thực phẩm là khó chấp nhận. Cần phải quy định rõ nếu thực phẩm thiu thối thì ai chịu trách nhiệm trước tiên? Bao nhiêu phần trăm là trách nhiệm của địa phương, bao nhiêu là của cơ quan chức năng? Trên số báo ra ngày 18-9-2009, Báo Đà Nẵng đã cho bạn đọc biết rằng cơ sở giết mổ gia súc ở  thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang hoạt động từ hai năm nay ngay bên cạnh trường mầm non mà chính quyền địa phương bất lực? Làm sao trẻ em, láng giềng có thể chịu nổi mùi hôi thối, tiếng heo kêu đinh tai nhức óc mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 3-4 tiếng đồng hồ như thế? Rõ ràng, địa phương đã thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là đã nhắm mắt làm ngơ để cho sai phạm mặc sức lộng hành.

Thứ hai, nhiều tấn mỡ động vật thiu thối mỗi ngày mà 3 cơ sở ở Hòa Phong tiêu thụ, không thể là chuyện không ai biết. Trong khi đó, mỗi địa phương đều có rất nhiều tổ chức, đoàn thể. Tại sao không một ai có tiếng nói phản kháng? Mặt khác, sự nhắm mắt làm ngơ - nếu không nói là vô cảm - của người có trách nhiệm và người dân trước tội ác là điều đáng báo động. Nếu ai cũng có tư tưởng đèn nhà ai nhà ấy rạng thì quả thực, sự sợ hãi trước cái sai, cái ác; sự bàng quan đối với tiêu cực, khuất tất đã trở thành một căn bệnh khó lành.

Thứ ba, đạo đức kinh doanh, đạo đức quản lý đã bị xâm hại nặng nề. Dù số mỡ động vật thiu thối đó không tiêu thụ ở Đà Nẵng đi nữa thì ngành y tế, chính quyền địa phương vẫn phải có trách nhiệm. Tại sao có thể tồn tại cách nghĩ sống chết mặc bay - ai bị sao kệ họ, miễn không phải mình là được? Bên cạnh đó, những ông chủ lò mỡ là những người phải bị trừng phạt bằng những chế tài nghiêm khắc nhất. Không thể xuê xoa hay giơ cao đánh khẽ trong những trường hợp như vậy.

Giải pháp ở đâu?

Chuyện mỡ động vật thiu thối hay lợn chết thành heo quay, hàng đông lạnh quá đát vẫn đến tay người tiêu dùng…, chỉ là bề nổi của tảng băng tha hóa, bất chính của cách kinh doanh bất nhân, bất nghĩa. Cần phải có những chế tài cụ thể bằng luật pháp để nghiêm trị loại tội ác nguy hại này. Về phía cấp độ quản lý hành chính, đã đến lúc phải thành lập một đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh mọi sai phạm về VSATTP, về ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, đường dây nóng đó chỉ trở nên nóng thực sự nếu chính quyền vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; đồng thời, biết cách để động viên, khuyến khích người dân thực sự hòa nhập và có trách nhiệm với cộng đồng.

Phản ứng của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng trong vụ mỡ động vật thiu thối vừa qua được dư luận cả nước đánh giá là nhanh, kiên quyết. Nhưng, như thế vẫn là chưa đủ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh là nguyên tắc tối thượng của sự an lành, trong sạch của cuộc sống. Không thể xây dựng được một thành phố văn minh nếu những đứa trẻ mầm non phải chịu đựng sự khủng khiếp từ lò mổ, người dân nơi khác phải chịu hậu quả do cách quản lý thiếu trách nhiệm của chính mình…

ĐINH THIỆN

;
.
.
.
.
.