.

Không có túi nylon, bạn có chết đâu!

Chủ trương của chính quyền thành phố Hội An lấy ngày hôm nay, 9-9-2009, làm “Ngày không dùng túi nylon” đã trở thành sự kiện truyền thông khi cả các hãng thông tấn lớn như AFP, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Bernama (Malaysia) đưa tin. Điều này cho thấy thảm họa túi nylon đang là vấn đề không chỉ của Hội An.

Hãy đọc những bản tin này của VOA hôm ngày 2-9:

“Phố cổ Hội An, một di sản văn hóa thế giới, sẽ tổ chức một “Ngày không dùng túi nylon” - “The Nature Day” lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 9”.

Hãng thông tấn Malaysia trích lời ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống nói rằng, sự kiện sẽ được tổ chức hằng năm tính từ năm nay là một sáng kiến chung giữa Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi khí hậu và Báo Khoa học và Đời sống.

Một loạt các hoạt động sẽ được tổ chức để nâng cao nhận thức của công chúng về tác động tiêu cực của túi nylon tới sức khỏe con người cũng như môi trường, khuyến khích mọi cá nhân, mọi cơ quan và các gia đình thực hiện nếp sống không dùng túi nylon... Từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 9, khoảng 10.000 cơ quan, hộ gia đình và du khách tới Hội An sẽ tự nguyện ký một cam kết không sử dụng túi nylon. 

Các nhà tổ chức cũng khuyến khích người dân thu thập túi đựng rác bằng nylon và đổi 100 túi lấy một túi mua hàng thân thiện với môi trường. Các cửa hàng địa phương đăng ký tham gia dự án cũng sẽ được cung cấp túi cói để phát cho khách hàng thay vì túi nylon”.

Túi nylon có nguồn gốc từ một phát minh về polyme của Wallace Hume Carothers, người Mỹ, sinh năm 1896. Ông đã nghiên cứu chế ra nylon, nhựa, cao su nhân tạo từ cuối những năm 1920. Một năm sau cái chết do tự tử vì bệnh trầm cảm của ông năm 1937, sáng chế của Carothers lại được sản xuất hàng loạt với mục đích thương mại hóa và hầu như phát triển vô tội vạ trên toàn cầu cho đến ngày nay.

Nhưng với các tác hại: Phá vỡ cấu trúc và làm nghèo dinh dưỡng của tầng canh tác trên mặt đất, tạo ra chất độc dioxin khi được đốt cháy từ 30 đến 800 độ C (theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Sở Vệ sinh Môi trường TP.HCM) và các tác hại khác về môi trường, từ hơn một thập kỷ nay nhiều nước như Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc... đã cấm sử dụng túi nylon và thay bằng những loại túi tự hủy, thân thiện với môi trường ở xứ họ. Túi nylon chẳng những không được phát không mà chỉ có thể mua với giá khá đắt nếu có nhu cầu (như ở Hàn Quốc là 100 won một chiếc - 1 USD = 1.234 won), hay đánh thuế rất cao vào việc sản xuất và buôn bán túi nylon như ở Hong Kong...

Ở nước ta thì sao? Một phóng sự của các học viên khoa Chính trị, Học viện Ngoại giao Hà Nội đầu năm 2009 cho thấy, những hình ảnh không thể tả nổi bằng lời của vấn nạn túi nylon từ đường cao tốc đến những con hẻm nhỏ, từ ao hồ, sông suối, dưới cống rãnh đến cả trên những cành cây... tạo ra một sự phản cảm không chịu được ở một thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tại TP. Đà Nẵng, sau những ngày mưa vừa qua, ai cũng có thể nhận biết hàng núi túi nylon theo dòng nước từ ao hồ, cống rãnh tràn lên những con phố đẹp. Đi dọc tuyến du lịch ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An hay trên những con kênh thủy lợi ở ngoại ô, hàng đống, hàng bãi túi nylon đủ màu sắc, kích cỡ bị vứt vô tội vạ sau khi sử dụng sẽ không chỉ làm chướng mắt người nhìn mà chắc chắc còn ẩn chứa những tác hại lâu dài không trông thấy được.

Tác hại của túi nylon sâu rộng và lâu dài như thế nào không cần phải thảo luận ở đây. Chỉ biết rằng đối với các nhà hoạt động môi trường, từ lâu chúng đã được ví như một “con quái vật trong suốt và vô tri giác” nhưng vẫn lẽo đẽo theo chân con người đến mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Từ bước khởi đầu của Hội An cũng như kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới, có lẽ không quá muộn để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong phạm vi cả nước, không chỉ về tác hại của chúng mà là cần thiết phải có một khuyến cáo hạn chế tối đa việc sử dụng và một chính sách khuyến khích, tưởng thưởng xứng đáng cho những ai tham gia vào việc sản xuất các loại bao bì thay thế. Bởi suy cho cùng, không có túi nylon, bạn có chết đâu? Ngược lại là khác: Cuộc sống sẽ an toàn hơn!        

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.