.

Không thể dung thứ!

Sự kiện Đại úy Phan Công Việt (32 tuổi), (vừa được Bộ Công an phong hàm Thiếu tá sau khi hy sinh) cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14 - Công an TP Đà Nẵng) truy bắt kẻ trộm cướp theo lệnh truy nã đặc biệt bị đối tượng đâm chết hồi 14 giờ ngày 21-9-2009, tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, đã làm dư luận phẫn nộ!

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tội phạm tấn công người thi hành công vụ. Điển hình là những vụ như: Ngày 19-7-2009, lâm tặc tấn công trụ sở Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu; ngày 10-9-2009, Trung tá CSGT Nguyễn Văn Chính bị lái xe kéo trên đoạn đường phố dài đến 3 km tại Hà Nội; ngày 19-9-2009, lâm tặc lại cướp súng, tấn công Kiểm lâm huyện Hòa Vang, Đà Nẵng; tấn công và cắt tai kiểm lâm ở Thanh Chương, Nghệ An…

Những vụ việc nghiêm trọng đó chỉ là một số ít trong số hàng trăm vụ tội phạm lộng hành, coi thường luật pháp, hành vi gây án mất nhân tính xảy ra trong thời gian gần đây. Sự hy sinh của Đại úy Phan Công Việt và sự dũng cảm của Thượng sĩ Ngô Thanh Đông (bị thương nặng trong vụ án ở phường An Hải Bắc), cảnh báo xã hội một sự thật rất rõ ràng: Đó là sự lộng hành của tội ác và không thể dung thứ; nhất định pháp luật phải trừng trị một cách nghiêm khắc nhất!

Điều đầu tiên chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh nhiều loại tội ác trong thời gian gần đây là do sự nương nhẹ của luật pháp, quan điểm trọng tình của các cơ quan chức năng khi giải quyết các sai phạm. Tình người là quan trọng nhưng luật pháp phải nghiêm minh. Bởi một sự thật hiển nhiên của lịch sử tội phạm đã chứng minh rất rõ rằng có không ít những tội phạm không thể cải tạo được; và, cũng có rất nhiều những tội phạm tiếp tục ngựa theo đường cũ do luật pháp quá từ tâm!

Điều tiếp theo phải cảnh báo trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng là các dạng tội ác đang gia tăng rất nhanh. Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố có đất lành chim đậu đã kéo theo nó hàng loạt các loại tội phạm từ nhiều địa phương khác nhau tìm về Đà Nẵng. Sự thiếu cảnh giác, cách nhìn chủ quan chưa đánh giá hết những tai họa đến từ nguy cơ này là khá phổ biến.

Hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cần phải phát động trong nhân dân tinh thần đấu tranh, hợp tác với chính quyền, cảnh giác và góp phần ngăn chặn tội phạm. Thiếu sự quan tâm, hợp tác của người dân, công tác chống tội phạm không thể hiệu quả. Đó là bài học của tất cả các thành phố lớn.

Sau cùng, việc bổ sung các chế định nghiêm khắc về luật pháp là công tác phải gấp rút tiến hành trên vị thế vĩ mô. Đại biểu Quốc hội của Đà Nẵng (cùng với ĐBQH trên cả nước) phải quan tâm đến sự gia tăng tội ác, đề xuất các giải pháp và tích cực góp ý cho các dự luật sớm đi vào thực tế. Mặt khác, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khen thưởng cho những người dân tham gia đấu tranh chống tội phạm. Chừng nào người dân chưa quan tâm đến sự nguy hại của tội ác, chừng đó công tác phòng chống tội phạm vẫn chưa có kết quả.

Sự hy sinh anh dũng của Đại úy Phan Công Việt để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho vợ con và người thân của anh, để lại sự tiếc thương của toàn thể nhân dân Đà Nẵng. Biến đau thương thành sức mạnh và sự tỉnh táo là một trong những bài học quan trọng nhất đã làm nên thành công của lịch sử loài người. Cái ác phải bị nghiêm trị. Đó là đòi hỏi chính đáng của người dân nhằm hướng tới một xã hội an chính, công bình.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.