.

Ngày giáo dục quốc gia

Trong những ngày đầu của nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, dù phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức lớn lao về cả đối nội lẫn đối ngoại, nhưng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm 3-9-1945, chiến dịch chống nạn mù chữ trong toàn quốc đã được xem là nhiệm vụ cấp bách xếp hàng thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách do Hồ Chủ tịch đề ra và được Chính phủ thông qua.

 Từ chủ trương và quyết tâm của Chính phủ lâm thời, ngày 8-9-1945 đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những quyết định “phi thường” về giáo dục của Chính phủ Hồ Chí Minh, với 8 Sắc lệnh liên tiếp, làm thay đổi toàn bộ bản chất và hệ thống tổ chức của nền giáo dục quốc gia Việt Nam.

Trước hết, đối với toàn dân, theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 20, tuyên bố “Trong khi đợi lập được nền Tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người” (Khoản I). Chính phủ “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền” (Khoản II). Các khoản chi phí cho việc học “sẽ chia cho quỹ hàng tỉnh và hàng xã” gánh chịu (Khoản III).

Để bảo đảm quyền lợi giáo dục cho hai giai cấp công nhân và nông dân, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 19, cho phép “Trong toàn cõi nước Việt Nam, sẽ thiết lập cho công nhân và nông dân những lớp học bình dân buổi tối” (Khoản I); đồng thời quy định trong thời hạn sáu tháng, “làng nào và đô thị nào cũng đã phải là một lớp học dạy được ít nhất là ba mươi người” (Khoản II).

Nhằm tổ chức và quản lý nền giáo dục toàn dân đáp ứng chủ trương trên, theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và sau khi Hội đồng Chính phủ đã nhất trí, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 17 nhằm “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam” (Khoản I). Đứng đầu cơ quan này là “Giám đốc Bình dân học vụ” (Khoản II).

Bên cạnh đó, Sắc lệnh số 16 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép “Đặt ra trong toàn cõi Việt Nam ngạch Thanh tra học vụ để kiểm soát việc học theo đúng chương trình giáo dục của Chính phủ dân chủ cộng hòa” (Khoản I). Phụ trách cơ quan này là “Tổng Thanh tra học vụ bậc Trung học” và “Tổng Thanh tra học vụ bậc Tiểu học” (Khoản II).

Trong việc cải tổ bộ máy và đội ngũ cán bộ giáo dục của nước Việt Nam mới, Chính phủ cũng đã có những quyết định hết sức mạnh mẽ và hợp lý qua các Sắc lệnh số 18, số 13 và số 15.

Với 8 sắc lệnh ban hành trong cùng một ngày chỉ sau chưa đầy một tuần đất nước được độc lập, gồm rất nhiều nội dung phát triển giáo dục khác nhau, thì đó không chỉ là sự mở đầu của phong trào Bình dân học vụ thông thường, mà là sự phát động của “nền giáo dục mới” của một quốc gia mới có tự do, dân chủ.

Những sắc lệnh phát ra trong cùng ngày 8-9-1945 tuy chưa đụng đến một cách toàn diện nền giáo dục nước nhà, nhưng đó là mốc lịch sử có ý nghĩa cách mạng hết sức quan trọng, là sự khởi đầu của nền giáo dục quốc gia “vì con người” mang tính đại chúng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là cuộc đổi đời tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục toàn dân của chúng ta.

“Ngày Nhà giáo Việt Nam” 20-11 là một nét đẹp trong đời sống văn hóa “tôn sư trọng đạo” ở đất nước Việt Nam hiện nay. Nhưng như thế là chưa đủ, chưa lột tả hết bản chất của nền giáo dục toàn dân được xây dựng ngay sau những ngày cách mạng thắng lợi, mà những người từng sống trong không khí sôi nổi đó không thể nào quên.

Một số nước đã đi theo hướng chọn “Ngày giáo dục quốc gia” để kỷ niệm hằng năm, như Indonesia hay Ba Lan đã làm, mà mốc thời gian lấy theo sự kiện giáo dục của chính đất nước họ. Rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng không kỷ niệm nghề giáo theo ngày quy ước 20-11, mà gắn ý nghĩa với xứ sở họ.

Nên chăng “Ngày Nhà giáo Việt Nam” cùng nằm trong “Ngày giáo dục quốc gia”, và thời điểm kỷ niệm gắn liền với mốc lịch sử 8-9 của chính bản thân đất nước mình?   

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.