.

Nhà trọ cho sinh viên

Đầu năm học mới, thử lướt mạng tìm hiểu về chuyện sinh viên (SV) đón năm học mới như thế nào? Bắt gặp bài “Chủ nhà trọ” (của tác giả Nghị Văn) đăng trên báo Đà Nẵng ngày 26-8-2009: Đọc, ngẫm và băn khoăn…

Đà Nẵng có đến 50% SV phải thuê nhà trọ. Chỉ tính riêng quận Liên Chiểu đã có đến 2.500 hộ dân cho thuê đến 10.000 phòng trọ! Đó là con số không hề nhỏ một chút nào. Thế nhưng, do phòng trọ khó kiếm nên có đủ cách thức mà chủ nhà trọ lâu nay hành SV: Giá thuê đắt đỏ, phòng trọ nhỏ xíu, phải dùng điện cả ban ngày mà tiền phòng đến 700.000 đồng/tháng; hơi có gì khó chịu là chủ nhà trọ lập tức đuổi SV đi, muốn ở lại phải chấp nhận cắn răng chịu tăng giá thuê phòng…Những chuyện tương tự như trên có nhiều và, nó là chuyện rất lớn đối với Đà Nẵng nói riêng, sinh viên cả nước nói chung.

Trước hết, phải thấy rằng hàng vạn SV, đa số có hoàn cảnh khó khăn nên việc giá thuê phòng trọ lên xuống thất thường, thả nổi và không được kiểm soát như lâu nay là điều bất cập khó có thể chấp nhận. Tại sao chính quyền và các ngành chức năng không thể chung tay cùng với SV tháo gỡ bớt những khó khăn? Nếu làm được điều này thì lợi ích là không thể tính toán hết: Đời sống của SV (và những gia đình nghèo của họ) sẽ đỡ vất vả hơn nhiều; SV sẽ an tâm học hành; những bất ổn về xã hội sẽ giảm bớt…

Có rất nhiều giải pháp để giảm bớt sức ép của vấn đề trên. Thứ nhất, nếu việc tăng giá thuê phòng trọ liên quan đến thuế hoặc lệ phí mà địa phương thu thì rất cần một cuộc tổng rà soát để điều chỉnh cho hợp lý. Thứ hai, cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện phòng ở được phép cho thuê. Những điều kiện này phải bao gồm cả nhu cầu vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, điều kiện ánh sáng cũng như điều kiện môi trường khác.
 
Rất cần quy hoạch hóa nguyên tắc hoạt động của các nhà trọ tư nhân. Thứ ba, chính quyền thành phố nên đưa ra mẫu Hợp đồng cho thuê phòng trọ thống nhất. Trong đó phải quy định rõ những chế tài cần thiết khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, việc tăng giá thuê phòng phải được thông báo trước một thời hạn nhất định để SV có thời gian và điều kiện tìm nơi ở mới. Thứ tư, giải pháp lâu dài và tốt nhất là khuyến khích doanh nghiệp cùng với Nhà nước đầu tư, có ưu đãi, nếu cam kết việc xây nhà chung cư cho SV thuê.

Thứ năm, những bức xúc của SV là có thật và không phải là ít. Nếu quyền lợi của SV bị các áp lực xâm phạm thì SV biết kêu ai, kêu ở chỗ nào? Rất nên có một cán bộ chuyên trách (kiêm nhiệm) ở mỗi phường để quản lý, giải đáp thắc mắc và giải quyết được các bức xúc mà SV gặp phải.

Tất nhiên, chuyện quan hệ giữa chủ cho thuê và người thuê nhà không phải bao giờ cũng chỉ giải quyết bằng lý lẽ, đúng sai. Thế nhưng, tình cảm chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở của những nguyên tắc rạch ròi. Những mập mờ của hợp đồng “miệng” hoặc văn bản thiếu rõ ràng là những kẽ hở mà chủ nhà xấu bụng dễ lạm dụng.

Cũng có những chủ nhà tốt bụng, hiểu và thông cảm với SV - nhưng đó chỉ là số ít. Chuyện phòng trọ liên quan đến cuộc sống, học hành của hàng vạn con người là điều rất đáng quan tâm. Một thành phố thân thiện, lành mạnh về văn hóa không thể thiếu “văn hóa ở trọ”. Rất mong cả chính quyền và các tổ chức, đoàn thể góp sức. Nếu làm được thế, chắc chắn Đà Nẵng sẽ đẹp và đáng yêu hơn nhiều lắm…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.